Qui hoạch ngành quốc gia là gì? Một số nội dung qui hoạch ngành quốc gia
Qui hoạch ngành quốc gia (Ảnh: Lao Động Thủ đô)
Qui hoạch ngành quốc gia
Qui hoạch ngành quốc gia là qui hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa qui hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Nội dung qui hoạch ngành quốc gia xác định phương hướng phát triển, phân bố và tổ chức không gian, nguồn lực cho các ngành mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Một số nội dung qui hoạch ngành quốc gia
Qui hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia
a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
b) Dự báo xu thế phát triển, và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng quốc gia trong thời kì qui hoạch;
c) Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành; những cơ hội và thách thức phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
d) Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
đ) Phương án phát triển ngành kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;
e) Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
g) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện qui hoạch.
Qui hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, điều tra, khảo sát, thăm dò hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên;
b) Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên;
c) Phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường quốc gia và các qui hoạch có liên quan;
d) Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tác động tới việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trong thời kì qui hoạch;
đ) Quan điểm, mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
e) Xác định khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên;
g) Định hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện qui hoạch.
Qui hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
a) Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lí và bảo vệ môi trường;
b) Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường;
c) Phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lí chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường;
d) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư bảo vệ môi trường và thứ tự ưu tiên thực hiện;
đ) Giải pháp, nguồn lực thực hiện qui hoạch.
Qui hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia
a) Đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học, tình hình quản lí bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học;
c) Khu vực đa dạng sinh học cao; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;
d) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học và thứ tự ưu tiên thực hiện;
đ) Giải pháp, nguồn lực thực hiện qui hoạch. (Theo Luật Qui hoạch năm 2017)