|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phương Tây nghiện mua hàng Trung Quốc vì giá rẻ dù không tin tưởng

11:26 | 02/08/2024
Chia sẻ
Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng tại phương Tây nhờ mức giá thấp và sự đa dạng sản phẩm.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty tiếp thị thương mại điện tử Omnisend với 4.000 người tiêu dùng tại Mỹ, Anh, Canada và Australia, cho thấy các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng.

Kết quả có 60% người được hỏi đã mua sắm trên các nền tảng bán lẻ trực tuyến Trung Quốc trong năm qua, trong đó 50% mua sắm tại nhiều hơn một sàn.

Về mức độ nhận biết thương hiệu, 72% biết đến Temu và 55% biết đến Shein. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng 48% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ Temu, 42% từ Shein và 28% từ AliExpress. Các mặt hàng phổ biến bao gồm quần áo người lớn từ Shein (57%), đồ gia dụng từ Temu (35%), và phụ kiện cùng mỹ phẩm từ AliExpress (23%).

Mặc dù 94% người được hỏi cho biết họ không tin tưởng Temu, nhưng họ vẫn mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử này. Hành vi cho thấy ngay cả khi có những nghi ngờ lớn về độ tin cậy, nhiều người mua sắm Mỹ vẫn bị thu hút bởi các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc vì giá thấp và đa dạng sản phẩm.

 Hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc đang đe doạ thị phần của Amazon. (Đồ hoạ: The Information).

Greg Zakowicz, chuyên gia thương mại điện tử cấp cao tại Omnisend, nhận xét về sự phổ biến nhanh chóng của Temu: "Chưa đầy hai năm kể từ khi Temu ra mắt tại Mỹ, nó đã thể hiện mức độ nhận biết của người tiêu dùng ngang với các nền tảng như Amazon, vốn đã xây dựng sự hiện diện trong nhiều thập kỷ."

Khi so sánh trải nghiệm, người dùng cho Amazon điểm trung bình 8,1/10, đánh giá cao chất lượng (59%), giao hàng nhanh (58%) và dễ dàng mua sắm (52%).

Ngược lại, Temu nhận điểm thấp hơn là 6,8/10, với những phàn nàn phổ biến về chất lượng kém (33%), thời gian giao hàng dài (26%) và quảng cáo quá nhiều (18%). Tuy nhiên, 53% vẫn thích Temu vì chất lượng sản phẩm, 33% vì đa dạng mặt hàng và 31% vì dễ mua sắm trực tuyến.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người dùng ưu tiên Amazon để mua quần áo, đồ điện tử và đồ gia dụng. Mặc dù Temu nổi tiếng với giá thấp, nhưng nền tảng này ít được ưa chuộng hơn cho đồ điện tử nhưng vẫn là lựa chọn hàng đầu cho quần áo và đồ gia dụng giá rẻ.

"Khảo sát của chúng tôi cho thấy người tiêu dùng vẫn xem giá của Amazon là hợp lý, dù giá Temu thấp hơn nhiều. Điều này có nghĩa họ hiểu rằng phải trả thêm một chút để có chất lượng hoặc dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh với các sàn thương mại Trung Quốc có thể phức tạp hơn nhiều đối với các thương hiệu nhỏ có cửa hàng trực tuyến riêng," Zakowicz nhận định.

Temu, Shein hay AliExpress đều đến từ Trung Quốc. Thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (PDD), Temu bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 2022. Nhờ hoạt động quảng bá mạnh mẽ khi mạnh tay đốt tiền để xuất hiện tại trận chung kết Super Bowl, cùng các ưu đãi về giá, Temu đã nhành chóng giành giật thị phần trong bối cảnh người tiêu dùng quan tâm đến túi tiền của họ. PDD không công bố số liệu bán hàng của Temu. Nhưng công ty mẹ đã báo cáo doanh thu là 12 tỷ USD cho quý kết thúc vào tháng 5.

Shein cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng hiện có trụ sở chính tại Singapore. Gã khổng lồ thời trang nhanh này thường bán những bộ đồ ngủ giá 5 USD và quần legging tập yoga giá 7 USD. Theo Yahoo Finance, ước tính doanh thu hàng năm của công ty sẽ lên tới hơn 30 tỷ USD.

Bên cạnh những thành tích, hai nền tảng này đã thu hút sự giám sát chính trị về cách họ xử lý việc gửi hàng hóa đến Mỹ. Shein và Temu được hưởng lợi từ một lỗ hổng thuế miễn thuế cho các gói hàng nếu chúng có giá trị dưới 800 USD. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi chấm dứt điều khoản thương mại này, nhắm vào các công ty Trung Quốc. Theo một báo cáo gần đây của ủy ban Quốc hội, gần một nửa số lô hàng được gửi đi bằng cách miễn thuế là từ Trung Quốc.

Trong khi đó, AliExpress là nhánh kinh doanh toàn cầu của tập đoàn Alibaba, tập trung vào khâu kết nối nhà sản xuất Trung Quốc với người tiêu dùng quốc tế.

Thành Vũ

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...