Một nền tảng bán lẻ Trung Quốc ăn nên làm ra khi Amazon cấm cửa nghìn tài khoản thương nhân nước này
AliExpress, một dịch vụ bán lẻ trực tuyến toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc do gã khổng lồ Alibaba sở hữu đang mở rộng thị trường tại trung tâm thương mại Thâm Quyến, nơi hàng loạt thương nhân Trung Quốc đã bị Amazon cấm cửa trong thời gian qua, theo South China Morning Post.
Thâm Quyến Business Expansion Centre là nơi đầu tiên có các đội nhân viên hỗ trợ của Aliexpress tại thành phố Thâm Quyến. Wang Demin, trưởng bộ phận tuyển dụng và phát triển chi nhánh tại AliExpress cho biết công ty sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo cho các thương nhân trong thành phố.
"Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người bán nhận thấy tiềm năng của việc bán hàng đa quốc gia. Tuy nhiên, có nhiều người chưa có kinh nghiệm và cần sự hướng dẫn", ông Wang nói.
AliExpress đặt mục tiêu mở 8 trung tâm kinh doanh trên khắp Trung Quốc vào cuối tháng 3/2022, tập trung vào một số thị trường như Đồng bằng sông Châu Giang, cụm thành phố phía nam bao gồm Thâm Quyến, Quảng Châu và Phật Sơn,…
Động lực thúc đẩy AliExpress mở rộng quy mô đến từ việc nhiều thương nhân Trung Quốc, những người trước đây từng bán hàng chủ yếu trên Amazon, đang tìm kiếm các nền tảng bán hàng đa quốc gia thay thế sau khi cửa hàng trên trang thương mại điện tử khổng lồ này bị đóng.
Chiến dịch của Amazon đã khiến nhiều đơn vị bán lẻ Trung Quốc gặp khó, bao gồm các nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng Aukey và Mpow. Từ thời điểm đó, những đơn vị bán lẻ đa quốc gia này đã chuyển sang sử dụng nền tảng AliExpress để tiếp tục công việc kinh doanh.
Theo ông Wang, số lượng người bán trên AliExpress tăng gần gấp đôi trong năm qua, mặc dù ông không cung cấp con số chính xác. AliExpress không bán hàng cho khách Trung Quốc, nhưng hầu hết người bán trên nền tảng này đều tới từ đất nước tỷ dân.
Li Zishuai, CEO hãng Aimitu Technology có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết công ty của ông đã chọn thành lập một cửa hàng trên AliExpress trong năm nay để bán các thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng nhằm tận dụng mạng lưới giao hàng Cainiao của Alibaba, hiện phủ sóng trên hơn 200 quốc gia.
"Thực tế không phải lúc nào cũng giống như kỳ vọng ban đầu của bạn. Ví dụ, chúng tôi mong muốn hàng bán chạy tại Nga, nhưng thực tế nó lại bán chạy hơn tại Tây Ban Nha. AliExpress đem đến cho chúng tôi cơ hội thử nghiệm tại những thị trường mới với khoản chi phí và rủi ro thấp hơn", ông Li chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo Aimitu Technology cũng cho biết thông tin chi tiết về người tiêu dùng do dữ liệu của AliExpress cung cấp đã giúp công ty điều chỉnh lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau, chẳng hạn như lắp thêm đèn vào một trong những máy hút bụi của họ cho người tiêu dùng Tây Ban Nha.
"Dữ liệu là yếu tố rất quan trọng, giúp chúng tôi hiểu nhu cầu của người tiêu dùng tại những thị trường khác nhau. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn", ông Li nhấn mạnh.
Lĩnh vực thương mại điện tử đa quốc gia của Trung Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh kể từ đầu năm 2020, và đại dịch COVID-19 vô tình trở thành yếu tố thúc đẩy hình thức mua sắm trực tuyến ở các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ và châu Âu, nơi người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm bán lẻ được mua trên internet.
Tuy nhiên, bất chấp tham vọng lớn của AliExpress, nền tảng này hiện có quy nhỏ hơn nhiều so với Amazon. Vào tháng 1, AliExpress có khoảng 528 triệu người truy cập trên trang web, trong khi đó, con số tương tự với Amazon là 2 tỷ người.
AliExpress muốn giúp đỡ các thương gia Trung Quốc, những người đang đối mặt với sự bất ổn trên Amazon. Dù vậy, người bán cũng phải tuân thủ những điều khoản nhất định trên nền tảng này.
"Cho dù bạn đang kinh doanh trên AliExpress hay trên các nền tảng của đối thủ cạnh tranh với chúng tôi, tuân thủ các điều khoản là điểm mấu chốt và đặc biệt quan trọng", ông Wang nói thêm.
Trước đó, Amazon cho biết họ đã đóng khoảng 3.000 tài khoản bán hàng trực tuyến đến từ khoảng 600 thương hiệu Trung Quốc trong một đợt quét gần đây. Trước những nghi ngờ việc thắt chặt quy định đang nhắm vào các nhà bán lẻ Trung Quốc, phía Amazon đã phủ nhận điều này.
Đồng thời, gã khổng lồ có trụ sở tại Seattle, Washington cho biết việc đóng những tài khoản này là do họ bị phát hiện những hành vi đáng ngờ, chẳng hạn như cung cấp thẻ quà tặng cho khách hàng để đổi lấy những đánh giá tích cực cho cửa hàng – một hành vi tương đối phổ biến tại Trung Quốc, nhưng lại đi ngược chính sách của Amazon.