|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mảng gọi xe cốt lõi bị đóng băng, Grab đã làm gì để không những tồn tại còn tăng trưởng thần tốc trong dịch?

07:31 | 23/10/2021
Chia sẻ
Khi mảng gọi xe điêu đứng vì COVID-19, mảng giao đồ, trong đó có giao đồ ăn đã trở thành "nguồn sống" chính của Grab.

Grab đang nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh mảng giao đồ ăn, đồ tươi sống và giao hàng trước khi năm 2021 qua đi trong bối cảnh chuẩn bị niêm yết trên sàn Nasdaq, theo Nikkei.

Theo đó, Grab đang triển khai một ứng dụng thúc đẩy bán hàng cho các nhà hàng trong đó cho phép đối tác nhà hàng quản lý mức độ hiệu quả của các hoạt động quảng cáo và cải thiện thu nhập.

"Bạn đang kiếm được 10,5 lần số tiền mà bạn đã đầu tư", thông điệp hiển thị trên ứng dụng khi một nhân viên marketing của Plain Vanilla, một chuỗi 5 quán cà phê ở Singapore, kiểm tra độ hiệu quả của chiến dịch quảng bá mới nhất thông qua ứng dụng.

Trái ngược dự đoán, Grab vẫn 'sống tốt' trong đại dịch nhờ mảng giao đồ ăn - Ảnh 1.

Giao đồ ăn trở thành mắt xích quan trọng của Grab trong đại dịch. (Ảnh: AFP).

Ứng dụng cho thấy nhà hàng đã chi tiêu 40 SGD cho hoạt động quảng cáo để đổi lấy 440 SGD doanh số bán hàng. Nền tảng này cũng cho phép các nhà bán hàng điều chỉnh để quảng cáo hiển thị ở các vị trí cao hơn trên trang tìm kiếm của người dùng.

"Ứng dụng này thúc đẩy doanh số bán hàng và với môt nhân viên marketing như tôi, tôi tự tin với kết quả mà mình đạt được", một đại diện của Plain Vanilla, nói.

Theo dữ liệu của công ty tư vấn Momentum Works, Grab đang có khoảng một nửa thị phần giao đồ ăn tại Đông Nam Á. Grab cung cấp các giải pháp quản lý khuyến mại và bán hàng cho các nhà hàng đối tác thông qua ứng dụng hoặc website hoàn toàn miễn phí. Thông qua công cụ này, các nhà hàng có thể truy cập dữ liệu qua điện thoại, ví dụ như doanh số bán hàng hàng ngày hay xu hướng bán hàng theo thời gian.

Trước khi dùng ứng dụng Grab, Plain Vanilla thường chỉ phân tích xu hướng bán hàng dựa trên số liệu hàng quý. Hiện nay, chuỗi cửa hàng này có thể hiểu về xu hướng khách hàng thông qua Grab đồng thời bổ sung thêm tuỳ chọn cho phép khách hàng đặt thêm các mặt hàng gia tăng như đồ uống.

Khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Singapore, quốc đảo này hiện chỉ có phép nhà hàng nhận tối đa hai khách hàng mỗi bàn. Với các nhà hàng nhỏ và tầm trung, giao đồ ăn giúp bù đắp cho doanh số sụt giảm vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, ứng dụng Grab cũng giúp số hoá hoạt động vận hành của nhà hàng.

Grab nhận phí trung gian 30% cho các đơn giao đồ ăn được thực hiện thông qua ứng dụng này. Thực tế, Grab sẽ nhận được nhiều phí hơn nếu như các ứng dụng thúc đẩy bán hàng nó cung cấp giúp các nhà bán nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Hồi năm ngoái, Grab có doanh thu sau điều chỉnh 800 triệu USD từ hoạt động giao hàng, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó. Ngược lại, doanh thu từ mảng gọi xe lại giảm xuống còn 500 triệu USD (từ mức 600 triệu USD) vì bệnh dịch.

Khi Grab công bố hồi tháng 4 rằng nó sẽ thực hiện IPO, Grab dự đoán doanh thu 1,2 tỷ USD trong năm 2021, tăng 50% so với năm 2020. Con số này sẽ giúp EBITDA của Grab đạt mốc 100 triệu USD. Năm 2020, Grab lỗ EBITDA 200 triệu USD.

Giao đồ ăn không phải tập trung duy nhất của Grab. Hồi tháng 9, Grab bắt đầu giao hàng tươi sống ở Philippines và Thái Lan, sau khi triển khi dịch vụ tương tự tại Malaysia và Singapore. Thông qua hợp tác với các nhà cung cấp và nông dân địa phương, Grab triển khai dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau với các đơn hàng đặt trước 5 giờ chiều. Grab cũng có thể giao đồ tươi sống trong vòng từ 20 phút đến 30 phút.

Thị trường mảng giao hàng trực tuyến đang tiếp tục tăng quy mô. Euromonitor International đự đoán tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của mảng giao thực phẩm tại Đông Nam Á sẽ chạm mốc 28,1 tỷ USD trong năm 2025, tăng lên từ 9,4 tỷ USD trong năm 2020. Cùng kỳ, GMV của mảng giao đồ tươi sống sẽ tăng lên 11,9 tỷ USD từ con số 4,1 tỷ USD.

Grab kỳ vọng mảng giao đồ ăn và đồ tươi sống sẽ là những mảnh ghép bổ sung cho nhay. Theo công ty này, 85% người dùng đặt đồ tươi sống cũng đặt đồ ăn trực tuyến. Hiện tại, tỷ lệ này của Grab mới chỉ đạt 5%.

Cuối năm nay, Grab dự kiến sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) với định giá 39,6 tỷ USD. Động lực tăng trưởng của Grab tại Đông Nam Á đến từ mảng gọi xe đã bị chặn đứng khi COVID-19 ập đến vào năm 2019. Trong quý II năm nay, mảng gọi xe của Grab ghi nhận doanh số ròng giảm 13% từ con số 146 triệu USD của quý trước.

Dù vậy, nhờ tăng trưởng ở mảng giao đồ ăn, Grab vẫn dự đoán đoán doanh thu thuần sau điều chỉnh từ mảng giao hàng sẽ đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 3 lần so với năm 2020, đóng góp vào EBITDA đạt 500 triệu USD.

Dù vậy, mức độ cạnh tranh tại Đông Nam Á cũng đang tăng mạnh. Tương tự Grab, Gojek cũng đang cung cấp công cụ quảng cáo cho phép các đối tác nhà hàng tiếp cận được khách hàng ở gần trong bán kính 4 km.

Foodpanda trong khi đó xây dựng một sàn giao dịch để các nhà bán hàng có thể mua nguyên liệu giá tốt từ các đối tác cung ứng. Bên cạnh đó, Deliveroo giới thiệu chương trình khách hàng thân thiết cho các nhà hàng. Các nhà hàng này có thể tặng điểm cho khách hàng khi đặt hàng.

Nam Khánh