|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Hoàng Nam Tiến: Nhóm ngành phi công nghệ hưởng lợi nhiều nhất sau dịch, hàng triệu công nhân sẽ mất việc vì kinh tế số

07:11 | 22/10/2021
Chia sẻ
Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến tin rằng đào tạo chuyên môn về công nghệ cho cả sinh viên, công nhân lẫn đội ngũ lãnh đạo là việc quan trọng cần làm.

Ngày 18/10 đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Google tổ chức.

Rõ ràng, tầm quan trọng của quá trình chuyển đối số cũng như cũng công nghệ là điều đã được nhìn thấy rõ. Thậm chí, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tầm quan trọng của công nghệ càng được nhận thấy rõ ràng hơn trong hầu hết lĩnh vực.

Trong khi những lĩnh vực đầu tư truyền thống như bán lẻ, khách sạn, du lịch,… lao đao vì đại dịch, những doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ lại có nhiều cơ hội hơn.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cũng khẳng định rằng công nghệ và chuyển đổi số là điều đặc biệt quan trọng.

"Sự có mặt của Google, ông vua dữ liệu tại buổi hội thảo này là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm của chính phủ về kinh tế số. Ngoài ra, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về COVID-19 cách đây hai tuần, có hai điều mà tôi đặc biệt quan tâm, đó là công nghệ và dữ liệu. Điều này khiến tôi thực sự ngạc nhiên bởi trong 5 điều nói về công tác chống dịch, có tới hai điều liên quan đến công nghệ", Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.

Theo ông Tiến, một khi chính phủ trở thành người dùng công nghệ lớn nhất, tự khắc thị trường sẽ phát triển. Không những vậy, muốn thị trường đạt được những bước tiến lớn, tất cả các bên cần biết cách chia sẻ dữ liệu.

"Một trong những điều chưa thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua chính là bài học liên quan tới việc không thống nhất được dữ liệu. Các tài liệu này cần phải được quản lý tập chung", lãnh đạo FPT Telecom nhấn mạnh.

Chủ tịch Hoàng Nam Tiến: Nhóm ngành phi công nghệ hưởng lợi nhiều nhất sau dịch, dự đoán hàng triệu công nhân sẽ mất việc vì kinh tế số sau 10 năm - Ảnh 1.

Ông Tiến cho rằng nhóm ngành phi công nghệ sẽ áp dụng công nghệ nhanh hơn cả những ngành chuyên về công nghệ. (Ảnh: Zing News).

Ông Hoàng Nam Tiến cũng khẳng định rằng trong tương lai không xa, những ngành nghề phi truyền thống, phi công nghệ sẽ là những lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ tốt hơn những ngành chuyên về công nghệ và chuyển đổi số.

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã đề cập tới những vấn đề mà Việt Nam cần thực hiện nhằm khai thác tối đa lợi thế cũng như cơ hội mà công nghệ và chuyển đổi số đem lại.

Những vấn đề này gồm: Phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước, nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên, phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số.

Riêng về vấn đề nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên, FPT chính là một trong những tập đoàn tiên phong, đặc biệt chú trọng và quan tâm tới việc phát triển, giảng dạy kiến thức.

"Trong vòng 5 – 7 năm tới, ở Việt Nam sẽ có hàng triệu người có thể mất việc làm khi nền kinh tế số phát triển. Hiện nay có khoảng 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân trong lĩnh vực giày da, gần 1 triệu công nhân liên quan đến lĩnh vực lắp ghép điện tử. Khoảng 70% số lượng công nhân thuộc nhóm này sẽ mất việc trong tương lai không xa. Lý do rất đơn giản, người máy sẽ thay thế những công việc này", ông Tiến nhận định.

Đồng thời, lãnh đạo FPT Telecom cho biết trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp vẫn còn đang băn khoăn về việc đưa hệ thống máy móc, robot vào quá trình vận hành các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, câu chuyện sau đại dịch hoàn toàn khác. Các doanh nghiệp chắc chắn sẽ áp dụng nhiều hơn các hệ thống robot để thay thế công việc của một số bộ phận nhất định.

"Giá cho một hệ thống robot hiện nay đã giảm từ 300.000 USD xuống còn 40.000 USD. Khi đó, con người không có cách nào để đua được với người máy về năng suất lao động, thời gian làm việc,… Hàng triệu người trẻ tuổi sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, tôi nghĩ rằng trách nhiệm đào tạo hàng triệu con người này cho những nhóm nghề mới thuộc về chính phủ", ông Tiến nói thêm.

Hiện nay, chỉ tính riêng FPT đã có khoảng 20.000 người làm việc cho các công ty đến từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore,… Vì vậy, mục tiêu có một triệu công dân toàn cầu – những người đủ năng lực làm việc cho các tập đoàn lớn hoàn toàn khả thi. Trách nhiệm cho việc này sẽ thuộc về các trường đại học, và đặc biệt là các doanh nghiệp.

Ngoài ra, một vấn đề khác cần được quan tâm là đào tạo cho các lãnh đạo (lãnh đạo nhà nước, quan chức địa phương và chủ doanh nghiệp) về việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật số. Theo ông Tiến, việc đào tạo phải được thực hiện qua trường lớp chuyên biệt thay vì tổ chức các buổi hội thảo.

"Cuối cùng là vấn đề trẻ em. Hiện ở nước ta có khoảng 20 triệu người thuộc tầng lớp trẻ em, học sinh, sinh viên. Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, họ đã được học theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, những điều này là chưa đủ và chúng ta cần có một thế hệ mới về đào tạo. Để làm được điều này, trách nhiệm không thuộc riêng về chính phủ hay doanh nghiệp, mà cần sự chung tay của toàn xã hội", ông Tiến khẳng định.

Quốc Anh