|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xuất hiện một sàn thương mại điện tử có ông lớn 'chống lưng', tự tin cạnh tranh được với Shopee, Lazada

07:58 | 23/10/2021
Chia sẻ
Blibli vẫn tự tin cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử lớn nhờ tập trung vào thị trường ngách và có nguồn vốn dồi dào.

Blibli, sàn thương mại điện tử Indonesia, đã hoạt động từ năm 2011. Dù vậy, khi so sánh với các đổi thủ như Shopee hay Tokopedia, Blibli vẫn là một cái tên khá mờ nhạt. Một lý do cho điều này có thể đến từ việc Blibli là một công ty con của Djarum Group, một tập đoàn tư nhân kín tiếng và hiếm khi công bố các số liệu nội bộ. Dù vậy, một lý do lớn hơn có thể là quy mô của Blibli còn khá nhỏ so với các đối thủ.

Theo một báo cáo của Momentum Works, tại Indonesia, Blibli xếp ở nhóm sàn thương mại điện tử hạng 3 cùng JD.id. Năm 2020, các sàn thương mại điện tử ở hạng này mang về khoảng 4,4 tỷ USD giá trị hàng hoá giao dịch (GMV), chiếm tỷ trọng khoảng 10% dung lượng thị trường.

Vì sao sàn TMĐT kín tiếng, nhỏ bé này tự tin cạnh tranh được với Shopee, Lazada? - Ảnh 1.

Ông Kusumo Martanto, CEO Blibli. (Ảnh: Blibli).

Dù vậy, thực tế này không ngăn việc Blibli vẫn thăng hoa trong thị trường ngách mà mình lựa chọn. Blibli mới đây công bố đã trở thành "kỳ lân" và lên kế hoạch sẽ thực hiện  IPO vào năm 2022.

Chiến lược đặc trưng của Blibli là đảm báo các sản phẩm bán trên nền tảng đều là hàng chính hãng. Theo ông Aldi Hartanto, phó chủ tịch mảng đầu tư tại MDI Ventures, cho rằng đây là một thị trường ngách rất hứa hẹn khi nhóm khách hàng khá giả có thể sẽ chiếm tới 21% tổng dân số Indonesia cho tới năm 2020.

Vì sao sàn TMĐT kín tiếng, nhỏ bé này tự tin cạnh tranh được với Shopee, Lazada? - Ảnh 2.

Điểm khác biệt rõ ràng giữa Bliblie và các đối thủ khác là người bán hàng. Trong khi Tokopedia và Shopee chủ yếu là các nền tảng C2C, Blibli tập trung vào thị trường B2B, B2C và B2B2C.

Dĩ nhiên, lằn ranh này cũng bắt đầu mờ dần. Hiện tại, Blibli cũng chào đón các nhà bán hàng cá nhân, trong khi đó nhiều cửa hàng chính hãng cũng hoạt động dưới dạng C2C. Dù vậy, các cửa hàng chính hãng này sẽ được ưu tiên hiển thị trên Blibli.

Trái ngược lại với nền tảng B2C như Lazada, Blibli cũng có cửa hàng chính hãng riêng mang thương hiệu của chính mình. Cửa hàng này có chức năng bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Dù vậy, hiện chưa rõ Blibli trực tiếp quản lý kho hàng hay đơn thuần đóng chức năng xử lý hàng hoá.

Với cách tiếp cận mình lựa chọn, quy mô của Blibli hiện khá nhỏ. Bên cạnh GMV khiêm tốn, công ty này nói rằng mình mới chỉ có trên 100.000 nhà bán hàng. Con số này của Tokopedia tính đến tháng 1/2021 là 9,9 triệu.

Dù vậy, bám vào thị trường khách là những gì Blibli cần để duy trì lợi thế cạnh tranh. "Bằng cách không tập trung vào miếng bánh hiện tại mà cố gắng tự tăng quy mô thị trường, điều này giúp Blibli thăng hoa được trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này", ông Hartanto nói thêm.

Vì sao sàn TMĐT kín tiếng, nhỏ bé này tự tin cạnh tranh được với Shopee, Lazada? - Ảnh 3.

Nhân viên Blibli đang giao hàng. (Ảnh: Blibli).

Nanette Litya, giám đốc tương tác tại Momentum Works, cũng cho rằng Blibli đa phát triển được nhóm người dùng trung thành, cao cấp vì tập trung vào đảm bảo hàng chính hãng. Điều này khiến Blibli nổi bật với nhóm người dùng thích mua đồ điện tử. Đây cũng là ngành hàng có quy mô đơn hàng lớn hơn so với các ngành hàng như thời trang. Bên cạnh đó, Blibli cũng có lợi thế từ nhóm khách hàng mục tiêu thu nhập cao.

Tập trung vào thị trường ngách không hạn chế khả năng tăng quy mô của Blibli vì dung lượng thị trường Indonesia là rất lớn. Điều này cũng đã được chứng minh ở Trung Quốc khi nhóm người dùng giàu có giúp thúc đẩy tăng trưởng của các công ty như JD.com hay Tmall (Alibaba).

Hiện chưa rõ Blibli đã có lợi nhuận hay chưa. Từ góc nhìn bên ngoài, Blibli có thể dễ đạt được lợi nhuận hơn so với các sàn thương mại điện tử C2C quy mô lớn hơn, ông Hartanto nói. Bên cạnh đó, Blibli cũng có cơ hội để mở rộng sang các ngành hàng phổ thông hơn khi đạt đến quy mô nhất định.

Mới đây, Blibli thực hiện loạt động thái khẳng định chiến lược của mình. Công ty tuyên bố thâu tóm 51% Supra Boga Lestari, công ty điều hành loạt chuỗi siêu thị cao cấp như Ranch Market, The Gourmet, và Farmers Market.

Một số nguồn tin còn nói rằng Blibli đang hướng đến mục tiêu mua phần lớn cổ phần nhà bán lẻ di động Erajaya Swasembada với hơn 1.000 cửa hàng ở Indonesia.

Vì sao sàn TMĐT kín tiếng, nhỏ bé này tự tin cạnh tranh được với Shopee, Lazada? - Ảnh 4.

Câu chuyện của Blibli không nên là một phần tách rời với sự "chống lưng" mạnh mẽ của tập đoàn Djarum Group. Mặc dù không công bố số liệu tài chính, việc thâu tóm Ranch Market cho thấy tiềm lực tài chính của Blibli thông qua sự hỗ trợ của Djarum Group.

Bên cạnh đó, Blibli cũng là sàn thương mại điện tử duy nhất không cần vốn đầu tư mạo hiểm để duy trì được hình ảnh tại Indonesia.

"Có sự hỗ trợ của Djarum Group giúp ban quản lý tập trung vào chiến lược dài hạn thay vì bị phân tâm với các mục tiêu gọi vốn", ông Hartanto giải thích. "Hơn thế nữa, điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc chơi mà Blibli tham gia sẽ là cuộc chơi dài hạn.

Djarum Group là tập đoàn có nhiều hiện diện ở mảng số, tài chính, truyền thông và hàng tiêu dùng ở Indonesia. Tập đoạn này sở hữu cổ phần lớn tại Bank Central Asia, ngân hàng tư nhân lớn nhất Indonesia, dịch vụ lữ hành trực tuyến Tiket.com và Gojek (đầu tư thông qua Blibli vào năm 2018).

"Số lượng người dùng hoạt động không quá quan trọng với Blibli vì họ đều là một phần của hệ sinh thái Djarum Group", ông Robertus Hardy, giám đốc nghiên cứu tại Henan Putihrai Sekuritas, nói. "Điều này có ích cho Blibli vì nó có cơ hội trở thành điểm kết nối cho nhiều mảng kinh doanh của Djarum Group".

Ở góc nhìn này, có thể thấy những điểm tương đồng giữa Blibli và Shopee là việc không phụ thuộc vào vốn của các nhà đầu tư. Shopee có sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Sea với dòng tiền dồi dào từ mảng game. Thời điểm này, mọi sự chú ý đề đang dồn vào mục tiêu IPO của Blibli bởi đây sẽ là lần đầu tiên các số liệu của Blibli được công bố.

Nam Khánh