|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau một đêm, loạt doanh nghiệp Trung Quốc bị chặn đứng trên Amazon, đối mặt với nguy cơ phá sản khi mất cả triệu khách hàng

08:21 | 09/09/2021
Chia sẻ
Loạt gian hàng Trung Quốc trên Amazon bị đóng cửa do nghi ngờ đã gian lận hệ thống đánh giá.

Một số lượng lớn các nhà xuất khẩu ở Thâm Quyến tham gia vào mô hình kinh doanh được gọi là "sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon" đã gặp khó khăn khi Amazon sẵn sàng đóng cửa các cửa hàng của họ do bị nghi ngờ lạm dụng hệ thống đánh giá khách hàng đối với người tiêu dùng ở nước ngoài, theo South China Morning Post.

Patozon, một công ty thương mại xuyên biên giới của Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến, từng là cái tên được đánh giá cao với tiềm năng thống trị thị trường phụ kiện điện tử toàn cầu, chẳng hạn như tai nghe và bàn phím.

Tuy nhiên, sự phát triển của công ty đã bị hạn chế cách đây 4 tháng khi cửa hàng đầu tiên của họ trên nền tảng Amazon đã đóng cửa. Trước đó, Amazon đã giúp công ty tiếp cận hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới.

Patozon không tiết lộ thiệt hại cụ thể sau khi cửa hàng trên Amazon bị đóng cửa, nhưng quyết định cho tất cả các nhân viên nghiên cứu và phát triển (R&D) nghỉ việc trong 6 tháng đã tạo ra sự không chắc chắn về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong tương lai.

Đầu năm nay, Global Top E-Commerce đã bán Patozon cho một tập đoàn bao gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok; nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và gã khổng lồ trong ngành thời trang bán lẻ Shein.

Theo một thông báo nội bộ, các nhân viên R&D sẽ nhận được 80% tiền lương của họ trong tháng đầu tiên, nhưng trong 5 tháng còn lại, họ sẽ chỉ được nhận 80% mức lương tối thiểu do chính quyền Thâm Quyến quy định. Mức lương tối thiểu của thành phố cho công nhân làm việc toàn thời gian là 340 USD/tháng, có nghĩa là những nhân viên Patozon sẽ nhận mức lương thấp hơn nhiều so với mức bình thường của họ.

"Kể từ tháng 4, công ty đã nỗ lực tự cứu mình, nhưng chúng tôi vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức và áp lực trong việc luân chuyển hàng tồn kho và dòng tiền. Chúng tôi cần thực hiện các điều chỉnh trong chiến lược của mình, vì vậy chúng tôi phải đưa ra một số quyết định khó khăn", Patozon thông báo.

Điều này đánh dấu sự thay đổi so với đợt đóng cửa hàng đầu tiên của Amazon diễn ra chỉ ba tháng trước. Tháng 5, Patozon cho biết họ rất "lạc quan" khi giữ liên lạc chặt chẽ với Amazon về việc khôi phục các cửa hàng bị đóng cửa của mình. 

"Hiện tại, các hoạt động và dòng tiền của chúng tôi vẫn bình thường", Tổng giám đốc Liu Yongcheng, người sáng lập doanh nghiệp chia sẻ trong một bức thư gửi nhân viên vào thời điểm đó.

Amazon đóng cửa một loạt cửa hàng Trung Quốc do nghi ngờ lạm dụng hệ thống đánh giá khách hàng  - Ảnh 1.

Amazon đã đóng nhiều cửa hàng trực tuyến của các thương gia Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Sự khó khăn của Patozon đang lan rộng trên cộng đồng "sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon", khi hàng nghìn cửa hàng trực tuyến được hỗ trợ bởi các thương gia Trung Quốc đã đóng cửa kể từ tháng 5, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên Biên giới Thâm Quyến.

Juozas Kaziukenas, người sáng lập Marketplace Pulse, một công ty nghiên cứu thương mại điện tử có trụ sở tại New York chia sẻ rằng những doanh nghiệp Trung Quốc bị đóng cửa trên Amazon chỉ đại diện cho "một phần nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc trên Amazon". Tuy nhiên, việc đóng cửa đã khiến hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy hoang mang.

Lý do cụ thể dẫn đến việc các cửa hàng bị đóng cửa vẫn chưa được tiết lộ, mặc dù chúng đến vào thời điểm Amazon đang ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống đánh giá khách hàng. Amazon cấm các thương gia hối lộ người tiêu dùng để họ đưa ra những đánh giá tích cực, một thực tế phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Tháng 5, Amazon cho biết họ đã đình chỉ một số tài khoản người bán do lạm dụng hệ thống đánh giá. "Hành động của chúng tôi đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ và chúng tôi muốn dành một chút thời gian để làm rõ: Các quy tắc giống nhau được áp dụng với tất cả người bán, bất kể quy mô hoặc tên tuổi của họ", Dharmesh Mehta, quan chức cấp cao của Amazon cho biết.

Cuộc thanh lọc của Amazon đã khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó, thậm chí còn thu hút sự chú ý của chính phủ nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc coi vụ việc là "nỗi đau ngày càng lớn" từ một "hình thức thương mại mới".

Đồng thời, chính quyền Thâm Quyến nói với các thương gia rằng họ sẽ không can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp với Amazon, muốn giữ thái độ "trung lập" trong vấn đề này.

Các doanh nghiệp như Patozon đại diện cho những gương mặt mới khiến "cỗ máy xuất khẩu" của Trung Quốc trở nên đáng gờm hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Lợi thế chính của họ là thiết kế nhanh chóng và sản xuất tức thì vẫn còn nguyên giá trị bất chấp cuộc thanh lọc của Amazon.

Năm 2020, xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng 40%, vượt xa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung là 4%.

Amazon là kênh chính để các thương gia Trung Quốc tiếp cận người tiêu dùng ở các nước phát triển. Người bán tại Trung Quốc chiếm 75% người bán mới trên Amazon trong tháng Giêng, theo Marketplace Pulse.

Bên cạnh Patozon, một trong những vụ đóng cửa hàng gần đây nhất trên Amazon là của Công ty Công nghệ Youkeshu ở Thâm Quyến, chuyên bán các sản phẩm như đồ dùng điện tử, đồ chơi và thiết bị ngoài trời.

Đầu tháng 7, công ty cho biết 340 cửa hàng của họ trên Amazon đã đóng cửa và khoảng 20 triệu USD tiền quỹ bị đóng băng, giáng một đòn nặng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ trên tờ South China Morning Post, ông Wang Xin, chủ tịch hiệp hội thương nhân xuyên biên giới Thâm Quyến, cho biết rất ít cửa hàng có thể khiếu nại thành công, qua đó dỡ bỏ lệnh đóng cửa trên Amazon.

Các số liệu kinh tế cụ thể về những ảnh hưởng từ những vụ đóng cửa không có sẵn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến tăng 19,4% so với một năm trước, nhưng thấp hơn 9 điểm phần trăm so với mức trung bình của cả nước trong cùng kỳ.

Khi Amazon dần đối nghịch với các thương gia, những nền tảng khác như eBay và AliExpress, một công ty con của Alibaba, đang bắt tay vào cung cấp các lựa chọn thay thế. Chính quyền Thâm Quyến cũng đang khuyến khích các thương gia phát triển các trang web độc lập để bán sản phẩm của họ và đang cung cấp khoản trợ cấp 2 triệu nhân dân tệ cho những thương nhân đủ điều kiện làm như vậy.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.