|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích khoảng trống chiến lược (Strategic Gap Analysis) là gì? Đặc điểm

20:26 | 20/04/2020
Chia sẻ
Phân tích khoảng trống chiến lược (tiếng Anh: Strategic Gap Analysis) là một kĩ thuật quản lí kinh doanh, đánh giá sự khác biệt giữa kết quả tốt nhất có thể của một hoạt động kinh doanh và kết quả trong thực tế.
Phân tích khoảng trống chiến lược (Strategic Gap Analysis) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Phân tích khoảng trống chiến lược

Khái niệm

Phân tích khoảng trống chiến lược trong tiếng Anh là Strategic Gap Analysis.

Phân tích khoảng trống chiến lược là một kĩ thuật quản lí kinh doanh, đánh giá sự khác biệt giữa kết quả tốt nhất có thể của một hoạt động kinh doanh và kết quả trong thực tế.

Phân tích này cũng đưa ra các khuyến nghị về các bước có thể thực hiện để thu hẹp khoảng trống hiệu quả hoạt động.  

Mục tiêu của phân tích khoảng trống chiến lược là xác định những bước cụ thể mà một công ty có thể thực hiện, để đạt được một mục tiêu hoạt động nhất định. 

Một loạt các yếu tố như khung thời gian, hiệu suất quản lí và các ràng buộc về ngân sách, … đều sẽ được xem xét nghiêm túc để xác định những thiếu sót trong hoạt động công ty. 

Đặc điểm Phân tích khoảng trống chiến lược

Phân tích khoảng trống chiến lược là một phương pháp được sử dụng để giúp các công ty xác định liệu họ có đang thu được lợi nhuận tối ưu nhất từ việc sử dụng tài nguyên của mình hay không. 

Phương pháp này xác định mức chênh lệch giữa kết quả hoạt động thực tế và kết quả trong kịch bản tốt nhất có thể có. 

Thực hiện phân tích khoảng trống chiến lược có thể giúp các công ty tìm ra các khía cạnh tiềm năng để cải thiện, đồng thời xác định các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu chiến lược đã đưa ra.   

Phân tích khoảng trống chiến lược đánh giá hiệu suất một công ty, một ngành hoặc một dự án với điểm chuẩn của nó.  

Từ đó, công ty có thể tìm kiếm và xác định cách thức kết hợp các nguồn lực vốn, thời gian và nhân lực sao cho thu được kết quả tốt hơn. 

Có nhiều doanh nghiệp trong quá trình lên kế hoạch chiến lược kinh doanh, chỉ nhắm đến các mục tiêu kinh doanh cơ bản và không nhận ra tiềm năng phát triển đầy đủ của mình. 

Lúc này, phân tích khoảng trống chiến lược có thể giúp họ thu hẹp mức chênh lệch giữa mức hiệu suất hiện tại và mức hiệu suất tiềm năng của họ.   

Ví dụ về Phân tích khoảng trống chiến lược 

Giả sử một quán hàng nhỏ ven đường ở một thị trấn ven biển vốn đã có một nhóm khách hàng trung thành là người dân địa phương, nhưng chủ quán vẫn muốn mở rộng kinh doanh để phục vụ cho khách du lịch vào kì nghỉ hè. 

Lúc này, chủ quán có thể thực hiện phân tích khoảng trống chiến lược để xác định cần thay đổi những gì để nhà hàng có thể đáp ứng được mục tiêu của ông.   

Những thay đổi có thể là chủ quán phải chuyển điểm bán hàng đến một đường phố đông người qua lại hơn, mở cửa muộn hơn để phục vụ khách du lịch, hay cập nhật thực đơn mới.

Tuy nhiên, chủ quán không bắt buộc phải thực hiện bất kì khuyến nghị nào trong số trên, nhưng nếu ông thực hiện theo, thì khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ông sẽ cao hơn.  

(Theo Investopedia)

Lê Thảo