Phá vỡ thất bại (Failed Break) là gì? Giao dịch dựa trên phá vỡ
Phá vỡ thất bại
Khái niệm
Phá vỡ thất bại trong tiếng Anh là Failed Break.
Phá vỡ thất bại là hiện tượng một mức giá di chuyển qua mức hỗ trợ hoặc kháng cự nhất định nhưng không có đủ động lực để duy trì hướng đi của nó.
Phá vỡ thất bại có thể dẫn đến thua lỗ đáng kể và là một yếu tố quan trọng để nhà giao dịch cân nhắc có nên đặt cược vào phá vỡ hay không.
Phá vỡ thất bại còn được gọi là phá vỡ giả (False Breakout hay Fakeout).
Nội dung
Các vùng hỗ trợ và kháng cự của các mô hình kênh giá có thể là các khu vực rất nhạy cảm đối với nguồn cung và cầu của chứng khoán.
Thông thường các nhà giao dịch sẽ xem các khu vực này là khu vực có lợi nhuận tiềm năng cao. Trong vùng hỗ trợ hoặc kháng cự, nhà giao dịch có thể tìm cách kiếm lợi từ một sự đảo chiều hoặc phá vỡ. Một kịch bản phá vỡ thường ít phổ biến hơn so với đảo chiều vì giá thường đi theo đường hỗ trợ hoặc kháng cự trong ngắn hạn.
Sự phá vỡ có thể cung cấp một cơ hội để tiếp tục thu lợi nhuận từ hệ thống giao dịch hiện tại mà không thay đổi mạnh mẽ kế hoạch giao dịch của họ khi cần thiết như giao dịch đảo chiều.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giá cũng tiếp tục di chuyển theo hướng phá vỡ ngay sau khi phá vỡ. Trong một số trường hợp, giá có thể điều chỉnh giảm trở lại (throwback) sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự hoặc tăng trở lại (pullback) sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ.
Throwback và pullback có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự phá vỡ thất bại vì giá lui về mức kháng cự hoặc mức hỗ trợ của nó. Việc thoái lui thường phổ biến và có thể khiến nhiều nhà giao dịch đóng vị thế của họ. Trong kịch bản này, khối lượng, cung và cầu sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ sức mạnh cho sự bứt phá hoặc gây ra sự thoái lui.
Giao dịch dựa trên phá vỡ
Các nhà giao dịch thường tuân theo Qui tắc 2% cho mỗi cơ hội đầu tư để quản lí rủi ro. Đây là một chiến lược đầu tư trong đó một nhà đầu tư chịu rủi ro không quá 2% vốn khả dụng của họ cho bất kì giao dịch nào.
Qui tắc 2% có thể đặc biệt hữu ích để cho phép một nhà giao dịch bắt đầu giao dịch theo sự đảo chiều hoặc phá vỡ. Điều này cho phép họ tìm kiếm lợi nhuận từ một cơ hội giao dịch tiềm năng nhưng cũng để thiết lập kế hoạch đầu tư theo từng cấp để có thể đầu tư từng phần khi xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn.
Kế hoạch đầu tư theo cấp thường được gọi là giao dịch lưới (Grid Trading) và cho phép một nhà giao dịch tăng đầu tư theo sự phát triển của một xu hướng. Chiến lược giao dịch lưới cũng có thể cho phép một nhà đầu tư ngừng đầu tư thêm trong trường hợp phá vỡ thất bại.
(Nguồn tham khảo: Investopedia)