|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phá vỡ (Breakout) trong phân tích kĩ thuật là gì?

20:04 | 29/03/2020
Chia sẻ
Phá vỡ (tiếng Anh: Breakout) là hiện tượng giá của một tài sản di chuyển trên một vùng kháng cự hoặc di chuyển bên dưới một vùng hỗ trợ. Các phá vỡ xảy ra với khối lượng lớn (so với khối lượng trung bình trong một khoảng thời gian) cho thấy sức thuyết phục lớn hơn.
Phá vỡ (Breakout) trong phân tích kĩ thuật là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: traderviet.com

Phá vỡ

Khái niệm

Phá vỡ trong tiếng Anh là Breakout.

Phá vỡ là hiện tượng giá của một tài sản di chuyển trên một vùng kháng cự hoặc di chuyển bên dưới một vùng hỗ trợ.

Nội dung

Phá vỡ cho thấy khả năng giá có thể bắt đầu xu hướng theo hướng phá vỡ. Các phá vỡ xảy ra với khối lượng lớn (so với khối lượng trung bình trong một khoảng thời gian) cho thấy sức thuyết phục lớn hơn, có nghĩa là giá có xác suất cao sẽ di chuyển theo hướng đó.

Ngưỡng kháng cự hoặc ngưỡng hỗ trợ trở thành một giới hạn mà nhiều nhà giao dịch sử dụng làm điểm mua vào hoặc điểm dừng lỗ.

Khối lượng cao hơn mức trung bình giúp xác nhận phá vỡ. Nếu có khối lượng nhỏ mức phá vỡ thì nhà giao dịch sẽ không đưa ra hành động vì nó có nhiều khả năng thất bại. Trong trường hợp phá vỡ tăng giá (upside breakout), nếu thất bại, giá sẽ giảm xuống dưới ngưỡng kháng cự mà nó vừa phá vỡ. Trong trường hợp phá vỡ giảm giá (downside breakout hoặc breakdown), nếu nó không thành công, giá sẽ tăng trở lại trên mức hỗ trợ mà nó đã phá vỡ.

Phá vỡ thường liên quan đến giao dịch trong một vùng nào đó (ví dụ như giao dịch trong đường ống) hoặc các mẫu hình khác (hình tam giác, cờ, nêm và đầu và vai). Các mẫu hình này được hình thành khi giá di chuyển theo một cách cụ thể dẫn đến mức hỗ trợ và/hoặc mức kháng cự được xác định.

Ngay cả sau khi phá vỡ khối lượng lớn, giá sẽ thường (nhưng không phải luôn luôn) quay lại điểm phá vỡ trước khi di chuyển theo hướng phá vỡ. Điều này là do các nhà giao dịch ngắn hạn thường mua phá vỡ ban đầu, nhưng sau đó cố gắng bán khá nhanh để kiếm lợi nhuận. Việc bán này tạm thời đẩy giá trở lại điểm phá vỡ. Nếu phá vỡ thành công thì giá sẽ trở lại theo hướng phá vỡ. Nếu không, đó là một phá vỡ thất bại.

Ví dụ

Phá vỡ (Breakout) trong phân tích kĩ thuật là gì? - Ảnh 2.

Điểm phá vỡ khỏi mô hình tam giác với khối lượng lớn

Biểu đồ cho thấy sự gia tăng lớn về khối lượng, khi giá vượt qua vùng kháng cự của mẫu hình tam giác. Sự bứt phá mạnh đến mức gây ra khoảng trống giá (price gap). Giá tiếp tục tăng cao hơn và không quay lại điểm phá vỡ ban đầu. Đó là một dấu hiệu của một đột phá rất mạnh.

Hạn chế của phá vỡ

Có hai vấn đề chính với việc sử dụng điểm phá vỡ.

- Vấn đề chính là phá vỡ thất bại. Giá thường sẽ di chuyển vượt ra ngoài ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ, thu hút các nhà giao dịch sử dụng các mẫu hình phá vỡ để mua bán. Giá sau đó đảo chiều và không tiếp tục di chuyển theo hướng phá vỡ. Điều này có thể xảy ra nhiều lần trước khi phá vỡ thực sự xảy ra.

Mức hỗ trợ và kháng cự là dựa trên quan điểm cá nhân. Không phải ai cũng quan tâm đến các mức hỗ trợ và kháng cự như nhau. Đây là lí do tại sao khối lượng có thể giúp ích. Sự gia tăng khối lượng ở điểm phá vỡ cho thấy điểm đó là quan trọng. Khối lượng nhỏ cho thấy điểm đó không quan trọng hoặc các nhà giao dịch lớn (những người tạo ra khối lượng lớn) chưa sẵn sàng tham gia.

(Nguồn tham khảo: Investopedia)

Mai Phạm