|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump nên làm gì để cải thiện kinh tế Mỹ: Tiếp tục đổ lỗi cho Fed hay tăng cường xuất khẩu sang EU, Trung Quốc, Nhật Bản, ...?

14:52 | 13/08/2019
Chia sẻ
Theo CNBC, chính sách tài khóa không thống nhất và thâm hụt thương mại mất cân đối của Mỹ mới chính là điều đó đáng lo ngại với nền kinh tế lớn nhất thế giới chứ không phải Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Do đó, Tổng thống Trump không đổ mọi tội lỗi và chỉ trích Fed "gần như mỗi ngày".
106071536-15653628636612019-08-09t142731z_1428217482_rc18448b4230_rtrmadp_3_usa-trump-1

Tổng thống Donald Trump có thói quen chỉ trích Fed "như cơm bữa" - một hành động chưa có tiền lệ đối với một Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Fed không đáng bị ông Trump chỉ trích "như cơm bữa"

"Trung Quốc đang giết chết nước Mỹ" là một trong các câu nói cường điệu của Tổng thống Trump nhằm thổi phồng thiệt hại kinh tế do Trung Quốc gây ra, để gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách nhanh và mạnh hơn.

Fed hiện đang hành động dựa theo sự ổn định của giá cả và triển vọng tăng trưởng của một nền kinh tế trong trạng thái toàn dụng lao động (hay tất cả người dân thuộc độ tuổi lao động đều có việc làm).

Trong nửa đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường niên của Mỹ ghi nhận ở mức 2,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng tiềm năng và phi lạm phát. Do đó, tại thời điểm này, nền kinh tế lớn nhất thế giới không cho thấy khả năng giảm phát để kích hoạt động thái hạ lãi suất.

Chưa kể, ông Trump còn thách thức sự chính trực của Fed đến mức tổ chức trụ cột của hệ thống tài chính Mỹ này không thể nhượng bộ rồi ồ ạt bơm thanh khoản theo lời Tổng thống và các nhà đầu tư.

Mỹ đang tận hưởng một nền kinh tế toàn dụng việc làm bởi vì Fed vẫn được xem là cơ quan quản trị tiền tệ chính của thế giới, cung cấp một trong những điểm đầu tư tốt và an toàn nhất cho cá nhân/tổ chức có nhu cầu gửi tiết kiệm trên toàn cầu và đóng vai trò là điểm tựa cuối cùng cho hệ thống tiền tệ quốc tế.

Fed không thể tác động đến Tổng thống Trump hơn nữa, nhưng Trung Quốc lại có thể

Liệu có phải ông Trump không thể thấy bất kì lợi ích hay lợi thế nào của nước Mỹ trong tất cả điều nói trên? Còn có cách nào khác để lí giải các cuộc tấn công gần như mỗi ngày của ông đối với Fed - một hành động rất bất thường dưới cương vị Tổng thống Mỹ?

Trung Quốc là một ví dụ khác cho thấy kiểu cách quản lí khác lạ của ông Trump.

Trước hết cần làm rõ rằng "vấn đề Trung Quốc" dù được định nghĩa theo cách nào thì cũng không thể được giải quyết bằng con đường quân sự. Tư duy một cách logic, để hai nước có thể tồn tại hòa thuận với nhau thì cả hai phải đạt được một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.

Vấn đề thương mại song phương mất cân bằng lớn giữa Washington và Bắc Kinh là một phần của giải pháp chính trị này. Tuy nhiên, trường hợp này cần được giải quyết thông qua đàm phán thay vì gây rối chính sách tiền tệ nhắm vào tỷ giá hối đoái và giá tài sản.

Trung Quốc phải đồng ý cắt giảm thặng dư thương mại vượt mức và không bền vững trong hoạt động giao thương hàng hóa với Mỹ, theo CNBC.

Tuy nhiên, họ sẽ không chấp nhận thực hiện điều đó dưới một "tối hậu thư" khiến họ bẽ mặt, trong đó đòi hỏi Chủ tịch Tập Cận Bình phải thay đổi chính sách kinh tế và chịu sự đe dọa áp lệnh trừng phạt vĩnh viễn từ phía Mỹ.

Vì vậy, đàm phán với Trung Quốc về việc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm thâm hụt thương mại theo hướng hợp lí là một cách hiệu quả hơn để củng cố tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ so với nới lỏng chính sách quá mức của Fed.

Nếu Fed liên tục hạ lãi suất, một phần tăng trưởng của Mỹ sẽ rò rỉ sang Trung Quốc thông qua nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng của Mỹ.

Cũng vì lí do tương tự, Washington nên thúc đẩy Đức giải phóng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn bên trong Liên minh châu Âu (EU) vì khối này là điểm đến cho một phần tư hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Đức và Nhật Bản đang làm tổn thương nền kinh tế Mỹ

Trong nửa đầu năm nay, EU đã ghi nhận mức thặng dư thương mại 84 tỉ USD với Mỹ, tăng 9% so với cùng kì năm ngoái.

Đức chiếm gần 40% mức thặng dư này, với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trị giá 62 tỉ USD, nghĩa là hơn gấp đôi khối lượng hàng hóa Mỹ bán sang Đức. Doanh nghiệp Đức cũng đổ xô vào thị trường Mỹ để thoát khỏi nền kinh tế trì trệ trong nước và ở châu Âu.

Do đó, Đức là chìa khóa giúp Mỹ tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vì ba lí do.

Đầu tiên, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tạo ra khoảng một phần ba hàng hóa và dịch vụ của khu vực này.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường niên của Đức đã chững lại vào giữa năm ngoái và đầu mùa xuân năm nay xuống mức 0,8%.

Thứ ba, với giá cả ổn định, thặng dư ngân sách duy trì ở mức 2,3% GDP và thặng dư thương mại là 7,4% GDP, Đức có dư khả năng để kích thích nhu cầu trong nước và tăng cường hoạt động kinh tế ở phần còn lại của EU.

Thay vì hợp tác với Đức để phát triển và mở rộng thị trường cho hơn 400 tỉ USD hàng hóa Mỹ sang EU, Washington lại làm xấu đi mối quan hệ với Berlin về các vấn đề thương mại, chi tiêu quốc phòng, đường ống dẫn khí quan trọng Dòng Chảy Phương Bắc 2 và lời qua tiếng lại về việc chuyển căn cứ quân sự Mỹ từ Đức sang Ba Lan.

Nhật Bản cũng là một vấn đề thương mại và an ninh lớn khác của Mỹ.

Mỹ rõ ràng đang theo đuổi một chương trình nghị sự ngày càng gay gắt với Trung Quốc. Cùng lúc này, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang theo dõi sát sao Nhật Bản - đồng minh châu Á thân cận nhất của họ, khi mà Tokyo hiện tham gia trao đổi kinh tế sâu sắc và có mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh.

Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản đã ghi nhận mức thặng dư thương mại 36 tỉ USD với Mỹ, tăng so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, Tokyo lại có thâm hụt thương mại 18,6 tỉ USD với Trung Quốc.

Trong khi chỉ có 39,5 tỉ USD hàng hóa Mỹ được bán sang thị trường Nhật Bản, khối lượng hàng hóa Trung Quốc được xuất sang nước này lại lên đến 82,4 tỉ USD.

Các vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa và thương mại không thống nhất của Washington không thể đổ lên đầu Fed. Thị trường không thể kì vọng Fed sẽ thay đổi tình thế khi mà tập hợp chính sách của Mỹ quá mất cân bằng.

Trong đó, thâm hụt thương mại lớn và chính sách tài khóa khiến nợ công tăng vọt đã làm trầm trọng thêm vấn đề.

Thay vì lo lắng quá mức về những thông tin vô nghĩa về chiến tranh thương mại đầy rẫy trên các dòng tít báo, nhà đầu tư Wall Street nên có nhận thức đúng đắn rằng ông Trump không đạt được tiến bộ nào trên mặt trận thương mại.

Sự bế tắc của ông Trump đã gây tổn thất lớn đến nền kinh tế Mỹ thông qua thu hẹp xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang EU, Trung Quốc và Nhật Bản xuống con số 258,8 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là một kết quả cho thấy hoạt động thương mại trì trệ và mất cân bằng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.