|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những start-up khiến nhà đầu tư ấn tượng nhất trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên

19:37 | 05/03/2018
Chia sẻ
Trong tập đặc biệt Shark Tank Việt Nam, các nhà đầu tư đã kể tên những start-up mà bản thân ấn tượng, tiếc nuối nhất khi không đầu tư. 
 
nhung start up khien nha dau tu an tuong nhat trong shark tank viet nam mua dau tien Lời khuyên từ nhà đầu tư cho start-up tham gia gọi vốn trong Shark Tank Việt Nam mùa 2

Sau 16 tập Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ, 48 mô hình kinh doanh đã tham gia gọi vốn. Đặc biệt, 22 thương vụ đàm phán thành công với 116 tỷ 651 triệu đồng tiền vốn từ nhà đầu tư.

Trong tập đặc biệt Shark Tank Việt Nam được phát sóng trên kênh youtube TVHUB ngày 3/3 vừa qua, bốn nhà đầu tư chính của chương trình nhìn lại chặng đường Shark Tank mùa đầu tiên và đưa ra những dự án khởi nghiệp mà họ ấn tượng nhất.

Dự định chuyển địa điểm văn phòng, nơi ở, bà Thái Văn Linh nghĩ tới Hoozing - một start-up gọi vốn bất thành trong Shark Tank. Mặc dù không đầu tư, nhưng bà cho rằng, Hoozing là mô hình hay nhất trong chương trình. Vì khi trở thành khách hàng của Hoozing, bà nhận thấy công ty rất tiềm năng, không chỉ người sáng lập mà tất cả nhân viên đều rất am hiểu thị trường. Hoozing là ứng dụng công nghệ bất động sản cho người nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động dựa trên nền tảng website, app và công nghệ quảng bá hình ảnh 360 độ với hai ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn. Không tìm thấy tiếng nói chung trong tỷ lệ cổ phần, Nhựt Hải - Chàng trai sáng lập Hoozing quyết định từ chối 300.000 USD từ bà Thái Văn Linh và ông Phạm Thanh Hưng.

nhung start up khien nha dau tu an tuong nhat trong shark tank viet nam mua dau tien
Nhựt Hải - Chàng trai sáng lập Hoozing quyết định từ chối 300.000 USD từ bà Thái Văn Linh và ông Phạm Thanh Hưng. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Về quy mô, ông Nguyễn Xuân Phú nhận định Chuỗi rửa xe tự động 5S của cặp vợ chồng Trương Tuyến, Ngọc Anh có khả năng phát triển lớn nhất. 5S là mô hình rửa xe tự động do chính Trương Tuyến thiết kế. Với công nghệ này, khách hàng không phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, 5S còn cung cấp dịch vụ cafe máy lạnh dành cho khách hàng. Tuy chưa có con số tài chính rõ ràng, cấu trúc công ty chưa hợp lý nhưng 5S vẫn nhận được khoản đầu tư ấn tượng là 11 tỷ đồng từ ông Phú.

Xét theo khía cạnh con người, ông Nguyễn Xuân Phú đánh giá cao cô gái Nguyễn Huyền Phương trong Công ty Du lịch tình nguyện V.E.O. Từng là một nhân viên tài chính, Nguyễn Huyền Phương có thu nhập tốt và cuộc sống ổn định. Trớ trêu thay, năm 2014, bác sĩ chẩn đoán cô mắc căn bệnh ung thư. Mặc dù đó là chẩn đoán sai, nhưng từ đó, Phương cảm thấy trân trọng, yêu cuộc sống này hơn. Đó cũng là cơ duyên đưa cô đến với mô hình Du lịch cộng đồng V.E.O. Đăng kí trải nghiệm du lịch qua V.E.O, du khách sẽ dành 50% cho hoạt động cộng đồng gồm giáo dục, hỗ trợ sửa chữa điện, đường, trường, trạm, quảng bá du lịch địa phương. 50% còn lại, khách hàng sẽ trải nghiệm du lịch như tham quan cảnh quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực. Khát vọng làm kinh doanh nhưng vẫn phục vụ cộng đồng của hai bạn trẻ sáng lập công ty du lịch tình nguyện là Huyền Phương, Quang Hưng khiến ba nhà đầu tư, gồm ông Nguyễn Xuân Phú, Trần Anh Vương và Nguyễn Ngọc Thủy quyết định rót 2,7 tỷ đồng.

Pakme là start-up khiến ông Nguyễn Xuân Phú nuối tiếc nhất khi không đầu tư trong Shark Tank. Ông ấn tượng bởi đội ngũ Pakme: “Các bạn Pakme đã đã trải qua thời gian làm việc trong công ty nước ngoài. Bây giờ, các bạn bắt đầu ra lập nghiệp thì đây chính là độ tuổi sung sức nhất”. Pakme là ứng dụng đỗ xe thông minh, giúp người dùng tìm kiếm chỗ đỗ xe chỉ trong một phút. Tham gia Pakme, khách hàng chỉ cần nhập điểm đến, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nơi đậu xe gần nhất. Chi phí đỗ xe sau đó được trừ qua tài khoản người sử dụng. Pakme nhận được gói đầu tư duy nhất từ ông Phú với 4,5 tỷ đồng cho 45% cổ phần. Tuy nhiên, Khắc Tiệp, người sáng lập Pakme quyết định từ chối vì tin rằng dự án đáng giá nhiều hơn thế.

nhung start up khien nha dau tu an tuong nhat trong shark tank viet nam mua dau tien
Khắc Tiệp, người sáng lập Pakme từ chối 4,5 tỷ đồng từ ông Nguyễn Xuân Phú. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Đồng quan điểm với “vua chảo Sunhouse” Nguyễn Xuân Phú, ông chủ bất động sản Phạm Thanh Hưng nhận thấy Pakme là start-up có bài trình bày tốt nhất. Ngoài ra, ông đánh giá cao khả năng thuyết trình rõ ràng, chi tiết của cô gái Nguyễn Thị Thùy Trang - Người sáng lập thương hiệu thời trang mặc ở nhà Emwear. Trang từng trở thành tâm điểm chú ý sau khi chương trình Shark Tank cô tham gia phát sóng. Xuất thân từ ngành marketing, Trang nhanh chóng thuyết phục các nhà đầu tư và nhận về số vốn gấp đôi dự định ban đầu là 2 tỷ đồng từ ông Trần Anh Vương.

Ông Phạm Thanh Hưng cho biết, ông cảm thấy rất tiếc nuối mô hình Dấm gạo Thủy tâm của chàng trai Trần Tâm Phương. Với lộ trình sử dụng vốn rõ ràng và không giấu ý định “lợi dụng” các nhà đầu tư để nâng cấp sản phẩm lên tầm cao mới, Tâm nhận về 4 tỷ đồng, bắt tay hợp tác cùng ông Nguyễn Xuân Phú và Trần Anh Vương.

“Dự án mua sắm thời trang trực tuyến Phleek mà tôi đầu tư gặp vấn đề về phân phối, giao hàng. Tôi đã gợi ý Phleek liên hệ hợp tác cùng mô hình Super Ship nhận được đầu tư từ anh Vương. Chúng ta có thể thành lập một cộng đồng Shark Tank để các bạn tham gia mùa trước chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn tham gia mùa sau. Thậm chí, những mô hình có thể sử dụng sản phẩm của nhau thì liên kết với nhau”. ông Phạm Thanh Hưng nói.

Bùi Mến