Báo cáo: Grab góp 0,13% GDP Việt Nam
"Kinh doanh nền tảng” được định nghĩa là hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh sử dụng nền tảng số để thực hiện giao dịch, kết nối khách hàng. Các dịch vụ này bao gồm cả dịch vụ nền tảng số trực tiếp của các chủ thể kinh doanh (thông qua các ứng dụng riêng của họ) và dịch vụ nền tảng số trung gian.
Thời gian qua, kinh doanh nền tảng tại Việt Nam phát triển nhanh. Báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company công bố năm 2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá trực tuyến tại Việt Nam đạt mức hai con số trong những năm qua và dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 22% vào năm 2025.


Các doanh nghiệp nền tảng hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, giao thông vận tải,…
Kinh doanh nền tảng được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay dịch vụ nền tảng giao thông vận tải góp khoảng 1,7% GDP năm 2022 của Việt Nam.
Riêng đối với hai vùng trọng điểm là Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ, dịch vụ nền tảng giao thông vận tải góp tương ứng 2,7% và 2,3% GRDP của vùng.

Trong sự kiện về kinh tế nền tảng diễn ra ở Hà Nội ngày 19/2, TS Nguyễn Minh Thảo tại CIEM lấy ví dụ về Grab Việt Nam - một trong những mô hình điển hình về kinh doanh dựa vào công nghệ số.
Bà Thảo cho biết Grab đã trở thành một “thuật ngữ” khi nói đến dịch vụ gọi xe công nghệ. Công ty này cung cấp đầy đủ các dịch vụ trên nền tảng số, từ di chuyển, giao hàng tới giao đồ ăn, đi siêu thị và đi chợ.
Theo khảo sát của Q&Me, lượng người dùng lựa chọn dịch vụ của Grab ở các độ tuổi khác nhau chiếm tỷ trọng cao nhất trên thị trường gọi xe. Báo cáo của Decision Lab trong quý II năm ngoái cũng cho thấy Grab dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam ở tất cả các độ tuổi.
Còn theo Sách trắng Thương mại điện tử 2023 do Bộ Công Thương công bố cho thấy đối với nền tảng trong lĩnh vực vận tải, 70% người dùng internet ưa chuộng Grab, 23% người dùng ưa chuộng Be. Đây cũng là hai nền tảng gọi xe được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

TS Nguyễn Minh Thảo tại sự kiện của CIEM ngày 19/2. (Ảnh: Đức Huy).
Với độ phổ biến của Grab, theo bà Thảo tại CIEM, năm 2022, công ty này đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành nền tảng lĩnh vực vận tải; góp 1,31% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng và góp 0,13% trong GDP.
Ngoài ra, Grab cũng góp khoảng 0,23% GRDP của vùng Đồng bằng Sông Hồng (trong đó có Hà Nội) và 0,17% GRDP của vùng Đông Nam Bộ (trong đó có TP HCM).
Grab vào Việt Nam từ năm 2014 và hiện là một trong hai nền tảng số trong lĩnh vực gọi xe công nghệ có thị phần top đầu tại Việt Nam. Dữ liệu mới nhất từ báo Đầu tư cho thấy năm 2022, Grab Việt Nam đạt doanh thu 6.384 tỷ đồng, lãi trước thuế 329 tỷ đồng. Trước đó, lần lãi đầu tiên của Grab Việt Nam là vào năm 2020, đạt 243,4 tỷ đồng.
Trong cuộc gặp gỡ truyền thông mới đây nhân kỷ niệm 10 năm dịch vụ có mặt tại Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, nói: "Chúng tôi có nhiều người dùng và đối tác trên nền tảng của mình hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây”.
Không chia sẻ con số cụ thể, ông Alejandro nói công ty đã đạt hàng triệu đối tác, người dùng và chục triệu giao dịch mỗi tháng.

Ngoài Grab, các doanh nghiệp Việt cũng tích cực tham gia vào kinh tế nền tảng, chia phần với “ông lớn” ngoại, chẳng hạn như Be Group hay GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Riêng GSM dù mới gia nhập thị trường được hai năm song đã cho thấy sức bật của một đối thủ đáng gờm với Grab.
Xanh SM - dịch vụ gọi xe công nghệ của hãng, đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ với thị phần 37,41% trong quý IV/2024, theo Mordor Intelligence. Con số này ở Grab là 36,62%.
Trong khi đó Be Group với hệ sinh thái có fintech Cake by VPBank là một trong những ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam công bố có lãi EBITDA trong năm 2024.

Có thể thấy, kinh doanh nền tảng đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Bà Thảo tại CIEM đánh giá, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ năm 2019 đến nay đã có những bước phát triển tích cực.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghệ số tăng 32%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cao hơn mục tiêu 48.000 doanh nghiệp của Chính phủ.
“Sự tăng trưởng nhanh về doanh nghiệp công nghệ số tạo nền tảng mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh nền tảng”, chuyên gia tại CIEM kết luận.