|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất lộ trình thu bảo hiểm bắt buộc với chủ hộ kinh doanh

22:00 | 24/02/2025
Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất đưa chủ hộ của hộ kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng theo lộ trình từng nhóm từ tháng 7/2025 đến tháng 7/2029.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số nội dung BHXH bắt buộc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án.

Phương án một gồm chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và nhóm không kê khai, nhưng có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Phương án hai áp dụng với chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh và muốn đóng BHXH bắt buộc.

Tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hà Nội) trang trí thông Noel bán cho khách. Ảnh: Giang Huy

Góp ý cho nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị xây dựng lộ trình tham gia bắt buộc cho các chủ hộ, trước mắt thực hiện với nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Từ ngày 1/7/2027 nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ đóng BHXH bắt buộc. Từ ngày 1/7/2029, nhóm chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh khác ngoài hai nhóm trên sẽ nằm trong diện đóng bắt buộc.

Các chủ hộ đăng ký kinh doanh theo phương pháp kê khai nhưng trước ngày 1/7/2027 chuyển thành nhóm khoán, hoặc trước ngày 1/7/2029 không còn nằm trong nhóm kê khai lẫn khoán - tức nhóm khác vẫn phải đóng BHXH bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải năm 2024 thống kê từ ngành thuế khoảng 80.000 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, hơn 2 triệu hộ kinh doanh đóng thuế theo phương pháp khoán. Nhiều trường hợp chủ hộ kinh doanh hết tuổi lao động, đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng hoặc đang đóng BHXH bắt buộc theo nhóm khác.

Nếu chỉ đưa vào diện đóng bắt buộc với chủ hộ của hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thì người tham gia rất ít. Nếu quy định chủ hộ thuộc nhóm không kê khai nhưng có đề nghị đóng BHXH bắt buộc lại không phù hợp với tính chất của khu vực này mà phù hợp với bảo hiểm tự nguyện hơn.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng đưa vào diện đóng theo lộ trình nhằm đảm bảo tính chất bắt buộc với nhóm này và đảm bảo "sự sẵn sàng" của các chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký. Bởi đến nay khoảng 9.200 hộ kinh doanh đang đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Sau khi loại trừ hết các nhóm thì còn khoảng 6.000 hộ thuộc diện tham gia bắt buộc. Lộ trình bổ sung nhóm còn lại ngoài diện kê khai và khoán nhằm đảm bảo đóng liên tục và thuận lợi khi thu tiền bởi các chủ hộ thường xuyên thay đổi, luân chuyển giữa các nhóm trên.

Mức đóng của chủ hộ hàng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ hưu trí và tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau và thai sản. Chủ hộ kinh doanh nộp trực tiếp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc qua hộ kinh doanh có đăng ký.

Chủ hộ được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần tham chiếu tại thời điểm đóng, hiện hành thấp nhất 2,34 triệu đồng và cao nhất 46,8 triệu đồng.

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động. Chủ hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên khác ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh.

Cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh chia làm hai nhóm: Nhóm có đăng ký kinh doanh hơn 2 triệu hộ, doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm và đang đóng thuế; nhóm còn lại không đăng ký kinh doanh, có doanh thu thấp như các hộ nông, lâm nghiệp, buôn bán tự do.

Hồng Chiêu

Nhà đầu tư nên làm gì khi VN-Index vượt 1.300 điểm?
Nhà đầu tư nên có chiến lược hành động ra sao khi VN-Index gần như tăng liên tục từ giữa tháng 1 đến 24/2, lên 1.304,56 điểm, đi kèm với thanh khoản khởi sắc?