Toàn bộ Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông xin từ nhiệm
Mới đây, Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Nhựa Rạng Đông - RDP) công bố đơn từ nhiệm của ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông nói vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này.
Cùng lúc, bốn thành viên còn lại gồm ông Hồ Đức Dũng, Bùi Đắc Thiện, Nguyễn Trần Vinh (thành viên Ủy ban kiểm toán) và Hồ Văn Tuyên (Chủ tịch Ủy ban kiểm toán) cũng nộp đơn từ nhiệm các chức vụ liên quan. Tất cả đều nêu lý do cá nhân không thu xếp được thời gian. Như vậy, Hội đồng quản trị của Nhựa Rạng Đông không còn bất kỳ thành viên nào.
Ông Dũng là con trai của ông Hồ Đức Lam. Theo báo cáo quản trị 6 tháng năm 2024, ông Lam đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 15,87% vốn RDP, còn ông Dũng nắm 0,13%. Ông Lam (sinh năm 1962) làm việc tại Nhựa Rạng Đông từ năm 1989 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2005. Ngoài ra, ông còn đứng đầu tại các công ty con như Nhựa Rạng Đông Long An, Rạng Đông Films, Rạng Đông Healthcare...

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông. Ảnh: RDP
Toàn bộ Hội đồng quản trị dứt áo ra đi khi doanh nghiệp này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giữa tháng 2, công ty bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) nhắc nhở về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2024 (công ty mẹ và hợp nhất) và báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024 lần thứ hai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã lỡ thời hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên và quý III/2024.
Cổ phiếu RDP đang trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 28/11 năm trước do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Nếu tiếp tục không nộp các báo cáo kể trên, cơ quan quản lý sẽ xử lý vi phạm ở mức độ cao hơn. Theo quy định hiện hành, chế tài nặng nhất nếu vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin là bị hủy niêm yết bắt buộc.
Trước đó vào cuối tháng 1, công ty nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP HCM thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Người gửi đơn là Rạng Đông Films - công ty con do RDP sở hữu 97,7%. Lý do là Nhựa Rạng Đông bị mất khả năng thanh toán. Hiện tại, tòa án yêu cầu RDP phải giải trình nguyên nhân, kê khai tài sản và tiền trong tài khoản ngân hàng, danh sách chủ nợ và người mắc nợ.
Còn hồi giữa tháng 12/2024, công ty bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phạt vì công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên báo cáo tài chính quý IV/2023 là hơn 17,3 tỷ đồng, nhưng thực tế báo cáo tài chính riêng được kiểm toán là âm hơn 117,6 tỷ đồng. Còn với báo cáo hợp nhất, công ty tự báo lãi hơn 26 tỷ đồng, nhưng kết quả sau kiểm toán lại là lỗ hơn 146,7 tỷ đồng.
RDP còn bị phạt thêm vì không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023, giải trình ý kiến kiểm toán với báo cáo riêng và hợp nhất năm 2023.
Trong văn bản gửi SSC và HoSE, Tổng giám đốc Huỳnh Kim Ngân cho biết công ty và tổ chức kiểm toán không chốt được báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 đúng hạn. Sau đó, công ty gặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là kế toán nghỉ việc nhiều. Do vậy, RDP không hoàn thành việc nộp báo cáo tài chính quý III/2024 đúng thời hạn.

Nhựa Rạng Đông từng là một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất nhựa. Giai đoạn trước năm 2016, công ty lãi hàng chục tỷ đồng. Sau đó RDP chuyển sang mô hình holding (công ty mẹ có nhiều công ty con) và đầu tư thêm bất động sản, khu công nghiệp. Năm 2019, đỉnh lợi nhuận được thiết lập với hơn 70 tỷ đồng rồi trồi sụt những năm sau đó.
RDP báo lỗ kỷ lục gần 147 tỷ đồng năm trước, lỗ lũy kế gần 206 tỷ đồng và có số nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn là gần 122 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Cũng trong năm 2023, Nhựa Rạng Đông phải bồi thường hơn 178 tỷ đồng vì thua kiện Sojitz Planet - đơn vị từng là đối tác chiến lược của họ - về hợp đồng mua bán cổ phần.
Để khắc phục thua lỗ, ban lãnh đạo nói sẽ thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ đối tác, đẩy mạnh hoạt động bán hàng, đàm phán các nhà băng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đàm phán đối tác để cơ cấu lại lịch thanh toán nợ. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận vẫn hơn 64,5 tỷ đồng và nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế.