Những lỗ hổng giúp các tỉ phú như Donald Trump, Warren Buffett hưởng thuế suất ít hơn người thường
Trong những năm trước khi đắc cử tổng thống lần đầu, tỉ phú Donald Trump tận hưởng cuộc sống vương giả và chỉ phải đóng số tiền thuế cỏn con.
Theo tiết lộ mới đây của tờ New York Times (NYT), trong 10/15 năm trước khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump không nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào. Trong năm thắng cử 2016 và năm đầu nhiệm kì 2017, ông Trump chỉ phải nộp 750 USD tiền thuế mỗi năm.
"Không nộp thuế mới là người khôn ngoan"
Vụ việc về tiền thuế của ông Trump thu hút sự chú ý của công chúng, một phần vì ông là Tổng thống của quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Nhưng dù không kể đến chức vị thì câu chuyện vẫn rất đáng bàn luận: Một tỉ phú với thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm, sống trong nhung lụa xa hoa nhưng nhiều năm trời không nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào.
Ví dụ này cho thấy sự bất bình đẳng ghê gớm của bộ luật thuế cũng như sự bát nháo của các cơ quan hành pháp tại Mỹ.
Mức thuế cao nhất trong biểu thuế thu nhập lũy tiến liên tục được hạ thấp trong những thập kỉ qua, và đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là người giàu.
Theo tờ New York Times, vào năm 1950, nhóm 400 gia đình giàu có nhất nước Mỹ phải nộp tổng số thuế liên bang, bang và địa phương tương đương 70% thu nhập. Sang thập niên 1980, con số này giảm còn 47% và đến năm 2018 chỉ còn 23%. Mức giảm chủ yếu đến từ chính quyền liên bang.
Các doanh nghiệp có nhiều thủ thuật để giảm số thuế phải nộp, chẳng hạn như dùng khoản thua lỗ trong quá khứ để bù trừ đi thu nhập hiện tại, hoãn ghi nhận lợi nhuận hoặc giấu lợi nhuận đi. Những nhà đầu tư bất động sản còn được phép khấu hao giá trị của một tòa nhà – tức là ghi nhận lỗ - trong khi thực tế là giá trị tòa đang tăng lên.
"Tôi rất yêu thích khấu hao", ông Trump nói khi tranh cử tổng thống năm 2016. Khi đối thủ Hillary Clinton bày tỏ nghi ngờ rằng ông Trump cố sức giấu hồ sơ thuế vì ông không nộp đồng thuế nào cho chính phủ, vị tỉ phú thản nhiên đáp lại: "Tôi không phải nộp thuế chứng tỏ tôi rất khôn ngoan".
Quả thực chỉ có những người rất khôn ngoan mới có thể hiểu luật, lách luật và tránh được gánh nặng thuế.
Mớ bòng bong đem lại lợi thế cho người giàu
Bộ luật thuế của Mỹ dài hơn 70.000 trang, năm nào cũng có sửa đổi, bổ sung, thêm bớt. Chính các nhà làm luật và người chịu trách nhiệm thu thuế cũng không thể nắm rõ mọi qui định.
Đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu như ông Trump, việc đóng thuế đã trở thành một cuộc chiến giữa các chuyên gia của chính phủ và các chuyên gia của bên nộp thuế.
Cuộc chiến ngày càng trở nên không cân sức. Người giàu càng giàu thêm trong khi Sở thuế vụ (IRS) ngày càng nhỏ đi. Đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ đã cắt giảm ngân sách dành cho IRS, khiến cơ quan này mất cả nguồn lực, chuyên môn lẫn thẩm quyền. Số kiểm toán viên của IRS từ năm 2010 đến nay đã giảm 1/3.
Số người mà chính phủ Mỹ thuê để truy lùng những kẻ chây ì tiền thuế hiện ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1950.
Theo thống kê của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), năm 2018 chỉ có khoảng 0,6% tiền thuế thu nhập cá nhân được kiểm toán, giảm 46% so với năm 2010. Tính riêng trong nhóm triệu phú, mức giảm của tỉ lệ kiểm toán lên tới 61%.
Tay cướp Willie Sutton từng nói rằng ông ta cướp ngân hàng vì đó là nơi có nhiều tiền nhất. Sở Thuế vụ (IRS) thì lại đuổi theo những người không có tiền. Theo tờ ProPublica, những năm qua số vụ kiểm toán giới siêu giàu và doanh nghiệp lớn lao dốc trong khi số vụ kiểm toán tầng lớp nghèo và trung lưu vẫn tương đối cao.
Tờ New York Times nhận định: Sở Thuế vụ Mỹ biết rằng nhằm vào dân thường sẽ dễ dàng hơn nhiều so với tầng lớp thượng lưu có các chuyên gia thuế vây quanh. Hệ quả là trong 10 năm tới, chính phủ Mỹ sẽ thất thu khoảng 7.500 tỉ USD tiền thuế.
Thuế suất của người giàu thấp hơn người nghèo
Biểu thuế thu nhập liên bang của Mỹ là biểu lũy tiến, tức là thu nhập càng lên cao thì thuế suất càng cao, mức tối đa hiện nay là 37% áp dụng cho phần thu nhập hàng năm trên 510.300 USD.
Điểm đáng chú ý là thu nhập chịu thuế ở đây bao gồm các loại lương, thưởng, tiền lương hưu ... Còn thu nhập từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và các loại công cụ tài chính khác lại bị đánh theo biểu thuế riêng, lũy tiến từ 0% lên 15% và cao nhất chỉ là 20%. Lưu ý rằng tiền lãi từ đầu tư chứng khoán là nguồn thu chính của giới tỉ phú, siêu giàu, các ông chủ lớn.
Nói cách khác, thuế suất áp dụng cho người lao động làm công ăn lương cao hơn thuế suất áp dụng cho tỉ phú chơi chứng khoán. Thực tế này được minh họa rõ nhất thông qua một thí nghiệm mà tỉ phú Warren Buffett - Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway thực hiện hồi năm 2007.
Buffett cho biết ông đã hỏi tất cả nhân viên trong văn phòng của mình về thu nhập và số thuế phải nộp để từ đó tính ra thuế suất thực tế trung bình là 32,9%. Trong khi đó cá nhân ông - một tỉ phú - chỉ phải chịu thuế suất 17,7%.
Chính Warren Buffett từng lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ tăng đánh thuế tầng lớp 1% giàu nhất, trong đó có ông. "Những người giàu có chắc chắn đang đóng ít thuế hơn so với tương quan phần đông dân số", ông khẳng định trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Bạn của Warren Buffett là nhà sáng lập tập đoàn Microsoft - Bill Gates có cùng quan điểm: "Tôi cần phải nộp nhiều thuế hơn. Tôi đã đóng hơn 10 tỉ USD tiền thuế - nhiều hơn bất kì ai khác, nhưng lẽ ra chính phủ phải bắt những người ở vị trí như tôi nộp thêm thật nhiều thuế", Bill Gates nói trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2018.
Hoán đổi thay cho mua bán
Cũng liên quan đến đầu tư chứng khoán, Warren Buffett còn có cách để giảm hóa đơn thuế xuống thấp hơn nữa.
Vào tháng 4/2014, tập đoàn Berkshire Hathaway của ông thực hiện hoán đổi 1,6 triệu cổ phiếu Graham Holdings (tiền thân là The Washington Post Company) có giá trị hơn 1,1 tỉ USD để đổi lấy cổ phần của công ty truyền hình WPLG tại thành phố Miami.
Điều đáng nói là Berkshire Hathaway đã mua Graham Holdings từ nhiều năm trước, giá cổ phiếu vào năm 2014 lớn gấp hơn 100 lần so với khi mua vào. Nếu Berkshire giao dịch theo cách thông thường là bán cổ phần Graham Holdings lấy tiền mặt rồi dùng tiền đó để mua WPLG, tập đoàn của tỉ phú Warren Buffett sẽ phải nộp thuế suất 35% trên số lợi nhuận từ thương vụ đầu tư Graham Holdings.
Nhờ cấu trúc giao dịch một cách khôn ngoan, Warren Buffett đã tránh được khoản thuế hàng trăm triệu USD. Tất nhiên các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ sẽ không dễ gì thực hiện được các thương vụ tương tự.
Tháng 11 cùng năm 2014, Berkshire Hathaway lại hoán đổi khối cổ phần đại gia hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) trị giá 4,7 tỉ USD lấy cổ phần của hãng pin nổi tiếng thế giới Duracell. Giao dịch hoán đổi này giúp Berkshire tránh được khoản thuế khoảng 1 tỉ USD.
Cá nhân bị đánh thuế thu nhập, doanh nghiệp chỉ bị đánh thuế lợi nhuận
Thu nhập của cá nhân bị đánh thuế ngay khi được nhận về. Một người phải nộp thuế trước rồi sau đó mới tính đến việc trả hóa đơn điện, nước, internet, mua thực phẩm, ... hay các chi tiêu xa xỉ hơn.
Tất nhiên mỗi người đều có một khoản giảm trừ gia cảnh không phải nộp thuế nhưng con số này thường tương đối nhỏ, đặc biệt là so với thu nhập của các tỉ phú.
Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ phải trả thuế thu nhập trên lợi nhuận, tức là doanh thu đã trừ đi các khoản chi phí như nguyên vật liệu, điện, nước, internet ... Nếu làm ăn chỉ hòa vốn hay thua lỗ, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế thu nhập.
Có vẻ như ông Trump đã lợi dụng khe hở này để cắt giảm triệt để số thuế phải nộp. Theo tờ New York Times, ông Trump đã ghi nhận nhiều khoản chi phí cho cá nhân thành chi phí của doanh nghiệp nhằm được hưởng khấu trừ thuế thu nhập. Các chi phí này bao gồm tiền làm tóc trong chương trình truyền hình, tiền di chuyển bằng máy bay giữa các dinh thự, ...
Các doanh nghiệp của ông Trump cũng báo số lỗ khổng lồ và do vậy không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Người lao động bình thường không có các công ty vỏ bọc và do vậy sẽ không thể tính đến chuyện ghi nhận chi tiêu cá nhân thành chi phí kinh doanh để giảm thuế giống như các tỉ phú.