Những cuộc họp ĐHĐCĐ đáng chú ý nhất trong tuần 8-14/6: KDF, FLC, PNJ, PV Power, PVOIL, GVR, CenLand, Saigonres...
Mã CK | Sàn | Tên công ty | Ngày chốt DS cổ đông | Ngày tổ chức ĐHĐCĐ | Địa điểm họp |
HNF | UPCOM | CTCP Thực phẩm Hữu Nghị | 29/5 | 7/6 | Số 27 Nguyễn Thái Học, Phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang |
OIL | UPCOM | Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP | 19/5 | 8/6 | Khách sạn Equatorial, Số 242 đường Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5, TP. HCM |
SRC | HOSE | CTCP Cao Su Sao Vàng | 14/5 | 8/6 | Số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội |
SGP | UPCOM | CTCP Cảng Sài Gòn | 27/5 | 9/6 | Số 03 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP.HCM |
KDF | UPCOM | CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO | 15/5 | 9/6 | TBS |
FLC | HOSE | CTCP Tập đoàn FLC | 21/5 | 9/6 | Tòa nhà Bamboo Airways, số 265 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP HN |
PNJ | HOSE | CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận | 25/2 | 10/6 | Trung tâm Hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP HCM |
SGR | HOSE | CTCP Địa ốc Sài Gòn | 26/5 | 10/6 | TBS |
HAH | HOSE | CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An | 9/3 | 10/6 | Tầng 7, tòa nhà Hải An, Km2+, đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng |
HTI | HOSE | CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO | 24/3 | 10/6 | Khu du lịch Tân Cảng, số A100, đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM |
GIL | HOSE | CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh | 25/3 | 11/6 | Cụm CN tiểu thủ CN Hắc Dịch, khu phố Trảng Cát, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
HMC | HOSE | CTCP Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh - Vnsteel | 6/3 | 12/6 | Khách sạn Victory, 14 Võ Văn Tần, Quận 3, TP HCM |
FMC | HOSE | CTCP Thực phẩm Sao Ta | 20/5 | 12/6 | Km 2132, Quốc lộ 1 A, phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng |
TID | UPCOM | CTCP Tổng công ty Tín Nghĩa | 26/5 | 12/6 | Số 96 đường Hà Huy Giáp, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, T.Đồng Nai |
TNC | HOSE | CTCP Cao su Thống Nhất | 15/5 | 12/6 | Số 256 đường 27/4, phường Phước Hưng, Tp Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
POW | HOSE | Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam | 4/5 | 12/6 | Tầng 4, tòa nhà Viện Dầu Khí Việt Nam, số 167, đường Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP HN |
CRE | HOSE | CTCP Bất động sản Thế Kỷ | 26/5 | 12/6 | Tầng 3, tòa nhà Dolphin Plaza, số 28 đường Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp HN |
SJS | HOSE | CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà | 26/5 | 12/6 | Hội trường tầng 18, toà nhà SUDICO, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội |
GEG | HOSE | CTCP Điện Gia Lai | 20/5 | 12/6 | 253 Hoàng Văn Thụ, P2, quận Tân Bình, TP HCM |
TAC | HOSE | CTCP Dầu Thực vật Tường An | 14/5 | 12/6 | Khách sạn Sheraton, số 88 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM |
GVR | HOSE | Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam | 20/5 | 12/6 | Hội trường Nhà Khách T78, số 145 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM |
ABT | HOSE | CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre | 20/5 | 13/6 | Trụ sở công ty, Ấp 9, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre |
GDT | HOSE | CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành | 19/5 | 13/6 | Số 21/6D Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM |
Theo thống kê của người viết, có khoảng 20 doanh nghiệp sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 trong tuần hai tháng 6.
Trong đó, một số đại hội đáng chú ý có ông vua ngành kem Việt - CTCP Thực phẩm Đông Lạnh KIDO (Kido Foods - Mã: KDF), trước đó đã có thông báo về việc phương án sáp nhập vào công ty mẹ CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC).
Cụ thể, KDF sẽ được sáp nhập vào KDC với tỉ lệ hoán đổi 1:1,3, tức mỗi cổ phiếu KDF đổi 1,3 cổ phiếu KDC. Phía Tập đoàn KIDO sẽ phát hành thêm 23,1 triệu cổ phiếu để hoán đổi với gần 17,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,79% tổng số cổ phần đang lưu hành của KIDO Foods.
Dự kiến sau khi thực hiện hoán đổi, KIDO Foods thuộc sở hữu toàn bộ của KIDO, và cổ phiếu công ty KDF bị hủy giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như hủy đăng kí trên Trung tâm Lưu kí Chứng khoán (VSD).
Bên cạnh KIDO Foods, một đại hội khác cũng đáng quan tâm là của CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC), doanh nghiệp cũng dự kiến sáp nhập vào công ty mẹ KIDO. Có thể thấy, Tập đoàn KIDO đang có kế hoạch hợp nhất các công ty con về một mối.
Bên cạnh việc sáp nhập, TAC cũng dự kiến chia cổ tức đặc biệt 75% tiền mặt. Việc chi cổ tức sẽ được thực hiện trước việc sáp nhập Tường An vào KIDO.
Trong năm nay, TAC đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 11% lên 4.588 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 193 tỉ đồng, tương ứng tăng 13% so với thực hiện năm 2019. Cổ tức dự trả tỉ lệ 20%.
Một cuộc họp luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC), theo tài liệu họp ĐHCĐ năm 2020, Ban lãnh đạo FLC cho biết các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty như du lịch, hàng không, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp bị tác động trực tiếp và nặng nề vì dịch COVID-19.
Do hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2020 bị ảnh hưởng lớn, Ban Giám đốc lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 12.500 tỉ đồng, giảm 21% so với thực hiện năm 2019. Lỗ hợp nhất sau thuế cả năm 2020 ước tính 1.957 tỉ đồng, trong khi năm ngoái lãi sau thuế 696 tỉ đồng (lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hơn 300 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, FLC dự kiến sẽ miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Lê Bá Nguyên theo nguyện vọng cá nhân. HĐQT của FLC sẽ còn lại 4 người là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch, ông Lê Thành Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch và ông Lã Quý Hiển - Thành viên.
Sau khi ghi nhận lỗ lớn do tác động của COVID-19, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) mới đây đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu 14.486 tỉ đồng, giảm 15% so với thực hiện năm 2019 và giảm 31% so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 832 tỉ đồng, giảm 30% so với năm 2019 và giảm 38% so với kế hoạch ban đầu.
Cuối tháng 5 vừa qua ông Robert Alan Willet - Thành viên HĐQT độc lập vừa nộp đơn từ nhiệm sau hai năm gắn bó nhưng không tiết lộ lí do. Trước đó hồi cuối tháng 2, hai thành viên khác cũng từ nhiệm vì lí do cá nhân là bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh.
Trong tài liệu ĐHCĐ được cập nhật mới đây, ba ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kì 2020 - 2025 bao gồm bà Trần Phương Ngọc Thảo - con gái lớn của Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam và bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Talentnet.
Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng kép bởi giá dầu trong kho giảm sâu và đại dịch COVID-19, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) đã phải ghi nhận khoản lỗ thuần 530 tỉ đồng và lỗ ròng 423 tỉ đồng trong quí I/2020, trong khi cùng kì năm trước lãi gần 32 tỉ đồng.
Trước đó, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu 2020 đạt 52.200 tỉ đồng, giảm 35% so với thực hiện 2019, lợi nhuận sau thuế tăng 8% lên 376 tỉ đồng. Do kế hoạch trên xây dựng trên cơ sở giá dầu thô trung bình ở mức 60 USD/thùng và chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19, HĐQT công ty sẽ trình Đại hội cổ đông điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Một trong những điểm đáng chú ý trong tài liệu họp ĐHCĐ 2020 của Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, Mã: POW) là kế hoạch đầu tư xây dựng hai nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại tỉnh Đồng Nai với tổng công suất khoảng 1.300 - 1.760 MW.
Giá trị đầu tư dự kiến hơn 32.400 tỉ đồng, trong đó 75% huy động từ vốn vay, 25% từ vốn chủ sở hữu. Dự án trên sẽ là nguồn cung cấp điện quan trọng cho khu vực phía nam giai đoạn 2021 - 2025.
Về kế hoạch kinh doanh, PV Power đặt mục tiêu doanh thu thuần 35.350 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kì; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự giảm tới 28% còn 2.044 tỉ đồng.
Một trong những cái tên đang có sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đó là CTCP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất trồng cao su sang thực hiện các khu công nghiệp.
GVR dự kiến dành gần 1.900 tỉ đồng cho hoạt động tài chính dài hạn chưa được nêu rõ, đây là con số tương đối lớn, gấp gần 3 lần năm 2019. Cổ tức dự kiến duy trì 6% tiền mặt.
Trong năm nay, Tập đoàn Cao su dự kiến doanh thu thuần hợp nhất gần 24.650 tỉ đồng, tăng gần 8% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 4.029 tỉ đồng, tăng hơn 5%. Với công ty mẹ, GVR duy trì chỉ tiêu hoạt động kinh doanh tương đương cùng kì.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - Mã: CRE) vừa công bố dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.441 tỉ đồng, tăng 5% so với năm ngoái.
Trong đó, doanh thu từ môi giới bất động sản tiếp tục dẫn đầu với 1.334 tỉ đồng; doanh thu chuyển nhượng bất động sản mục tiêu 1.050 tỉ đồng, còn lại đến từ hoạt động quảng cáo, cho thuê văn phòng… Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của CenLand 400 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kì.
Đáng chú ý, CenLand có kế hoạch trả cổ tức tỉ lệ 10% bằng tiền cho năm 2019, mức trả cổ tức dự kiến trong năm 2020 là 10%, chưa rõ bằng tiền hay cổ phiếu. Từ thời điểm niêm yết trên HOSE tháng 9/2018, CenLand mới thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỉ lệ 15%.
Trong năm nay, CenLand sẽ đón đầu xu thế chuyển dịch đầu tư nước ngoài sang Việt Nam thông qua nghiên cứu hình thành chuỗi cung ứng bất động sản logistics như bất động sản kho vận và hậu cần. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư phát triển nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.vn và cho ra mắt hệ thống định giá bất động sản online...
Năm 2020, CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - Mã: SGR) lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 650 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 146 tỉ đồng, lần lượt tăng 460% và 64% so với năm 2019; cổ tức dự kiến từ 15-20%.
Tại đại hội, HĐQT sẽ trình phương án chia cổ tức cho năm 2019 bằng tiền mặt với tỉ lệ 15%, tương đương với số tiền 68,3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó Ban lãnh đạo Saigonres cũng trình cổ đông thông qua việc ông Nguyễn Văn Khoa (Giám đốc Đầu tư Bất động sản REE) tham gia thành viên HĐQT độc lập cho thời gian còn lại của nhiệm kì 2016 - 2020 thay ông Phạm Quốc Thắng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa công bố, CTCP Điện Gia Lai (Mã: GEG) dự kiến phát hành hơn 16 triệu cp để trả cổ tức năm 2019 với tỉ lệ 8%.
Ngoài ra, GEG muốn chào bán riêng lẻ gần 51 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 4:1 (tương đương 1 cổ phần được hưởng 1 quyền, 4 quyền được mua 1 cổ phần mới) và chào bán tối đa hơn 27 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.
Với cả ba phương án trên, tính chung GEG sẽ phát hành tổng cộng 94 triệu cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ GEG sẽ tăng từ 2.039 tỉ đồng lên 2.983 tỉ đồng.
Mục tiêu doanh thu năm 2020 sẽ đạt 1.531 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỉ đồng, lần lượt tăng 29% và 5% so với kết quả thực hiện năm trước.
Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các dự án Năng lượng tái tạo (Điện Gió, ĐMT) nhằm nắm bắt nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng tăng, tận dụng các nguồn vốn có chi phí phù hợp và các chính sách khuyến khích phát triển Năng lượng tái tạo của Chính phủ.
Là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quí I/2020, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL) tỏ ra khá thận trọng với mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 1.900 - 2.000 tỉ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 95 - 105 tỉ đồng, giảm 25% và 41% so với cùng kì năm trước.
Năm 2020, công ty có kế hoạch vay ngân hàng 2.000 tỉ đồng tài trợ vốn hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất hơn 1.500 tỉ đồng, đồng thời điều chỉnh tằng tỉ lệ sở hữu phần vốn góp của công ty tại CTCP Khu Công nghiệp Gilimex với tỉ lệ tối thiểu là 51% vốn điều lệ (tương đương 255 tỉ đồng) và tỉ lệ tối đa lên tới 95% (khoảng 475 tỉ đồng).
Được biết, mặc dù hai thị trường tiêu thụ chính của Gilimex (Mỹ và châu Âu) chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, đơn vị này đem về 722 tỉ đồng doanh thu và 43 tỉ đồng lãi sau thuế trong quí đầu năm, tăng 32% so với cùng kì năm trước.