|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ về 'yếu tố sống còn' của Thế Giới Di Động

20:12 | 07/06/2020
Chia sẻ
"ESOP là linh hồn, là yếu tố sống còn, thậm chí là một bí kíp cho sự phát triển của MWG". Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) diễn ra vào chiều ngày 6/6, bên cạnh tình hình kinh doanh, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng dành thời gian để nói về tầm quan trọng của chính sách ESOP.

Nhà lãnh đạo MWG cho biết, lương của nhân viên MWG không có gì đặc biệt, thậm chí thấp hơn thị trường. Bù lại, phần thưởng, những cổ phiếu ESOP, mới là phần thú vị và gắn liền với kết quả kinh doanh của công ty.

"ESOP là linh hồn, là yếu tố sống còn, thậm chí là một bí kíp cho sự phát triển của MWG", Chủ tịch MWG khẳng định.

Sự hài lòng của khách hàng đến từ nhân viên chứ không phải ban lãnh đạo

Theo ông Nguyễn Đức Tài, "nếu muốn làm một việc gì nhỏ, một mình làm được, ít người vẫn làm được. Nhưng để làm được việc lớn cần rất nhiều người đồng cam cộng khổ và quan trọng phải cùng chí hướng.

Đặc biệt, MWG kinh doanh trong ngành dịch vụ, bản chất của ngành là tương tác giữa con người với con người. 

Do đó, con người có tác động vô cùng to lớn đến kết quả chung. Chỉ cần nhân viên không có tâm với khách hàng, kết quả sẽ khác ngay".

MWG phát hành cổ phiếu thưởng để tạo ra động lực và MWG ý thức rất rõ yếu tố quyết định sự hài lòng của khách hàng nằm ở những người ngày đêm tiếp xúc với khách hàng và đại diện cho thương hiệu MWG.

Trong năm 2018, Thế Giới Di Động phát hành 10 triệu cp ESOP cho 4.072 nhân viên, tức trung bình mỗi nhân viên nhận được 2.584 cp.

Đây không phải là một con số quá cao khi vẫn có doanh nghiệp bán lẻ phát hành hơn 2,6 triệu cp ESOP (chỉ bằng 1/4 của MWG) cho 305 nhân viên, trung bình mỗi người nhận 8.609 cp.

Thậm chí, còn có doanh nghiệp bán lẻ phát hành 680.000 cp cho 10 nhân viên, bình quân mỗi người nhận được 68.000 cp.

"Chắc 10 nhân viên này ngồi trên văn phòng, không bước ra khỏi phòng máy lạnh và doanh nghiệp đó nghĩ rằng 10 người này tác động lên kết quả cũng như sự hài lòng của khách hàng. Đó là sự khác biệt", Chủ tịch MWG chỉ rõ.

Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ về 'yếu tố sống còn' của Thế Giới Di Động - Ảnh 2.

(Nguồn: MWG)

Mặt khác, theo quan điểm của lãnh đạo MWG, con người làm việc gì đó xuất phát từ hai động lực: Tiền và niềm vui.

Đối với đội ngũ quản lí, niềm vui đến từ niềm tin và sự ủy quyền. Quản lí của MWG cần sân chơi rất rộng để ra quyết định, thi thố tài năng và đó là khái niệm trao quyền ở MWG, theo ông Tài.

Còn đối với nhân viên, niềm vui được thể hiện ở việc người quản lí hướng dẫn nhân viên khá rõ ràng, mạch lạc, để nhân viên biết mình đang làm đúng.

"Trong bối cảnh ngành dịch vụ và sự ủy quyền lớn như vậy, MWG xây dựng một đội ngũ có động lực rất mạnh mẽ. Và chỉ cần vậy đã làm được nhiều việc. Còn muốn doanh nghiệp phát triển lâu bền sẽ cần có thêm sự tử tế", Chủ tịch MWG nói.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài (MWG): Đây là một cuộc chơi chung, người bán độ sẽ bị đào thải khỏi đội hình - Ảnh 2.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: "Con người làm việc gì đó xuất phát từ hai động lực: Tiền và niềm vui". (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Cuộc chơi chung, không chấp nhận kẻ "bán độ"

Người đứng đầu đơn vị chiếm 50% thị phần bán lẻ điện thoại cho biết, chính sách ESOP là yếu tố giữ chân nhân viên trước những "lời dụ dỗ" từ đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc được tham gia vào ESOP là niềm tự hào đối nhân viên của MWG, cho nhân viên có quyền làm chủ. Theo đó, số đông nhân viên và quản lí sẽ xây dựng, bảo vệ thành quả chung của doanh nghiệp.

Ông Tài cho biết, đội ngũ MWG đã từng đào thải những cá nhân gây bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả chung.

"Đây là một cuộc chơi chung, chỉ cần một người bán độ, những người còn lại sẽ đuổi ra khỏi đội hình. Chúng tôi đang nỗ lực ghi bàn, anh bán độ lấy tiền riêng là có chuyện", Chủ tịch MWG ví von.

Bên cạnh đó, lãnh đạo MWG cho rằng do ESOP hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm nên sẽ giúp bảo vệ thành quả tốt hơn. Bởi lẽ, "trong 4 năm này, chắc chắn cổ phiếu MWG sẽ tăng giá và nhân viên công ty thấy được điều đó".

Ngoài ra, thưởng ESOP còn hiệu quả hơn thưởng bằng tiền ở phương diện tính thuế. Thuế dành cho thưởng bằng tiền được điều chỉnh bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn ESOP được điều chỉnh bằng Luật Chứng khoán nên mức độ điều chỉnh hoàn toàn khác nhau.

Nếu ESOP không còn hiện hữu ở MWG?

Ở góc nhìn ngược lại, Chủ tịch MWG dẫn ra nhiều kịch bản nếu chính sách ESOP không còn hiện hữu. Trước hết, hai động lực quan trọng nhất gồm tiền và niềm vui sẽ không còn.

"Từ tư cách người làm chủ, nhân viên của công ty sẽ quay về thành những người làm thuê. Nhân viên sẽ làm việc tà tà mà vẫn kiếm cơm và khi đó, đối thủ sẽ dễ dụ dỗ đội hình này", ông Tài dẫn chứng.

Đáng ngại hơn là một số quản lí chủ chốt sẽ rút khỏi công ty vì niềm vui mất và sau đó, những quản lí này sẽ bán cổ phiếu. Hậu quả cuối cùng là thành quả của MWG sẽ tụt dốc.

"Tôi đã từng đến những siêu thị trước đây chỉ có 3 tỉ đồng doanh thu, sau đó tăng gấp đôi lên 7 tỉ đồng. Bản thân tôi cũng bất ngờ vì siêu thị đó nhỏ. Những siêu thị đó được quản trị bởi 11 quản lí cửa hàng rất tốt.

Ngược lại, cũng có những siêu thị từng đạt doanh thu 7-8 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ còn 5 tỉ đồng. Mức độ co giãn của ngành dịch vụ lớn đến mức như vậy".

Nếu cổ đông cảm thấy "bực bội" với ESOP, cổ đông có thể rời đi

Theo chia sẽ của ông Nguyễn Đức Tài: "MWG trân trọng niềm tin của các cổ đông dành cho công ty. Nhiệm vụ của MWG là không được phủ nhận niềm tin đó.

Nếu làm ngược lại, đó là một nỗi nhục không thể chấp nhận được. MWG thật tâm muốn các cổ đông có cả tiền lẫn niềm vui".

Cũng theo lãnh đạo MWG, một mối quan hệ đồng cảm, đồng thuận giữa ban điều hành và cổ đông sẽ tạo ra kết quả tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngược lại, mối quan hệ mâu thuẫn, lằng nhằng giữ hai nhóm sẽ làm doanh nghiệp có vấn đề, chưa kể ai đúng ai sai.

Chính sách ESOP đã hiện hữu ở MWG từ năm 2009, thời điểm công ty còn chưa lên sàn. Hiện nay, ban lãnh đạo công ty chưa thấy một chính sách hoàn hảo nào khác có thể thay thế.

"Chúng tôi đang rất sẵn sàng lắng nghe ai đó giỏi hơn, am hiểu hơn đề xuất chính sách mới có thể thay thế, tốt cho cả đội ngũ nhân viên và tốt cho nhà đầu tư", ông Tài bày tỏ.

Người đứng đầu MWG nói thêm: "Chính sách ESOP có thể tồn tại trong nhiều năm. Nếu cảm thấy bực bội với chính sách này, quí cổ đông nên cân nhắc có nên đầu tư vào MWG hay đầu tư vào một cổ phiếu khác có thể mang lại cho quí cổ đông hai thứ quan trọng là tiền và niềm vui.

Ngoài kia còn rất nhiều cổ phiếu và doanh nghiệp không chia ESOP. Đây là một lời đề nghị rất chân thành.

Một mặt, công ty trân trọng niềm tin của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu MWG. Mặt khác, nếu các bạn đầu tư trong trạng thái bực bội, từ đó gây ra sự đối đầu giữa cổ đông và ban điều hành như những trường hợp đã từng xảy ra, có lẽ các bạn đang hại chính khoản đầu tư của mình".

Chốt lại vấn đề, lãnh đạo MWG đưa ra cam kết sẽ mang lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn.

Nếu thuận lợi, nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều giá trị hơn các doanh nghiệp bán lẻ khác. Còn trong lúc khó khăn, cổ đông của MWG sẽ thiệt hại ít hơn so với các nhà đầu tư và doanh nghiệp bán lẻ khác phải chịu đựng.

"Tôi đang nói về trung và dài hạn, còn nay mua mai bán thì khó quá. Rõ ràng tôi không kiểm soát được những rủi ro trên trời rơi xuống.

Tự nhiên có thông báo một shop tại Đà Nẵng có nhân viên bị COVID-19, cổ phiếu lập tức rớt. Ước gì hai khách Tây đừng đi ngang qua", ông Tài nhắc lại sự cố ở đợt dịch hồi giữa tháng 3 vừa qua.

Nguyên Ngọc

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.