|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi nhà thuốc An Khang với bài toán ngưng mở rộng và đối thủ lôi kéo dược sĩ

16:33 | 14/11/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của lãnh đạo, thay vì mở mới theo công thức quen thuộc của Thế giới Di động, nhà thuốc An Khang tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ cũng như đội ngũ dược sĩ nhằm mang lại hiệu quả bền vững hơn trong tương lai.

Tại buổi họp nhà đầu tư ngày 13/11, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã nhắc tới hiện tượng đối thủ tìm cách chiêu mộ dược sĩ của nhà thuốc An Khang. Tuy không tiện nhắc tên nhưng ông Tài cho rằng đây cũng là một dấu hiệu tốt.

"Chúng tôi đang có một đội ngũ rất ổn sau quá trình phát triển, giờ đây thiên hạ đang tìm cách chèo kéo dược sĩ của An Khang. Đó là một dấu hiệu tốt, cho thấy chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ tương đối ổn, đủ chất lượng để phục vụ khách hàng", ông Nguyễn Đức Tài nói.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT Đầu tư Thế Giới Di Động nói thêm rằng sau 6 tháng, nhà thuốc An Khang đang mang lại những bộ mặt tích cực hơn.

"Nếu anh chị đã từng tới An Khang trong 6 tháng trước và giờ quay lại, tôi tin rằng mọi người sẽ có cái nhìn khác về An Khang", ông Hiểu Em nói.

 Nhà thuốc An Khang thường đặt bên cạnh cửa hàng Bách Hóa Xanh. (Ảnh: An Khang).

Theo ông Hiểu Em, nhà thuốc An Khang đã tiến hành đa dạng hóa danh mục sản phẩm, hàng hóa đầy đủ hơn, hình ảnh nhận diện của một nhà thuốc được thành hình. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung đào tạo đội ngũ dược sĩ từ chuyên môn cho tới kỹ năng bán hàng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ.

Vị lãnh đạo Đầu tư Thế giới Di động tin rằng quá trình xây dựng chất lượng phục vụ có thể tốn thời gian nhưng trong dài hạn, An Khang sẽ tăng trưởng bền vững.

Ông Hiểu Em cho biết: "Có thể trước đây, nếu không có sản phẩm mà khách hàng cần, dược sĩ của chúng tôi sẽ đến nơi khác để mua giùm cho họ. Tình thế nay đã đảo ngược, nhiều nơi phải tìm đến An Khang để mua hàng. Ngoài ra, chúng tôi không ủng hộ việc chèo kéo, bán sản phẩm có lời nhiều... Đây là điều không phù hợp với ngành dược."

Cập nhật tình hình kinh doanh của chuỗi nhà thuốc An Khang, ông Hiểu Em cho biết tính tới ngày 31/10, MWG có 540 cửa hàng thuốc An Khang, doanh thu trung bình 420 triệu đồng/cửa hàng, tăng 50% so với tháng 1/2023. Dự kiến tháng 11, doanh thu trên mỗi cửa hàng An Khang có thể vượt 500 triệu đồng.

Ban lãnh đạo MWG đang dừng quá trình mở mới nhà thuốc An Khang để nâng cấp cửa hàng, hoàn thiện về sản phẩm, tồn kho, giá bán, dịch vụ,… Bên cạnh đó, việc tung ra các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng cũng làm tăng chi phí của nhà thuốc. Chính điều này đã lý giải cho việc doanh thu của An Khang tăng nhưng vẫn chưa có lợi nhuận. Hiện tại, MWG tập trung vào gia tăng doanh thu trên từng cửa hàng của An Khang và mục tiêu đạt điểm hòa vốn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, tại ngày 30/9, CTCP Dược phẩm An Khang lỗ luỹ kế 554 tỷ đồng. 

Đối trọng với An Khang lúc này vẫn là chuỗi nhà thuốc Long Châu. Khác với An Khang, chuỗi nhà thuốc Long Châu mở mới 584 cửa hàng trong quý III. Đơn vị chủ quản FPT Retail (Mã: FRT) cho biết động lực tăng trưởng doanh thu ba quý đầu năm đến từ chuỗi dược phẩm này, chiếm 48% doanh thu hợp nhất 9 tháng.  

Trọng tâm trong chiến lược phát triển Long Châu hiện tại của FRT vẫn là tập trung cho việc mở rộng chuỗi Long Châu để giành lấy thị phần. Công ty đặt mục tiêu mở rộng lên 3.000 cửa hàng trong 5 năm tới.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy Long Châu ghi nhận mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức khoảng 1,1 tỷ đồng trong ba quý đầu năm. Tổng doanh thu lũy kế 9 tháng của chuỗi nhà thuốc đạt 11.088 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài yếu tố đi đầu thị trường, FRT cho rằng lợi thế cạnh tranh của Long Châu còn đến từ danh mục sản phẩm đa dạng, nguồn cung ứng trực tiếp, mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành. Điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác (An Khang và Pharmacity).

Trung tâm tiêm chủng của Long Châu ở đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô (Hà Nội), nằm ngay bên cạnh "ông lớn" trong lĩnh vực tiêm chủng là VNVC. (Ảnh: Thành Vũ).

Bên cạnh đó, Long Châu cũng giành được thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra 25 - 30% doanh thu từ thuốc kê đơn. 

Trong thời gian qua, Long Châu cũng lấn sân sang lĩnh vực tiêm chủng, vốn là sân chơi của khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Hiện tại, Long Châu có 8 trung tâm tiêm chủng ở Hà Nội, TP HCM, Biên Hòa (Đồng Nai) và Tây Ninh.

Thành Vũ

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.