Ngoài Bách Hoá Xanh, An Khang và AVAKids cũng dự kiến đạt điểm hoà vốn cuối năm nay
Tính tới cuối quý II, Bách Hoá Xanh (BHX) có 1.706 cửa hàng. Trong đó, 92% cửa hàng có EBITDA dương trong 6 tháng đầu năm. Doanh thu chuỗi này đạt 13.670 tỷ, chiếm 24,2% doanh thu củaCTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG).
Thực tế khi doanh thu tăng 15%, biên lợi nhuận đi ngang thì EBITDA đã tăng 17% và biên ròng cải thiện 140 điểm cơ bản so với quý I.
Trong cơ cấu chi phí quý II, có hai tiêu chí ghi nhận tỷ trọng trên doanh thu tăng so với quý trước là một phần thu nhập có kết nối với doanh thu và chi phí điện tăng.
Doanh thu bình quân một cửa hàng BHX ở khu vực TP HCM khoảng 1,7 - 1,8 tỷ đồng. Còn doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng ở các tỉnh khác khoảng 1,4 - 1,5 tỷ đồng.Hàng thực phẩm tươi sống đang chiếm khoảng 35-40% doanh thu của Bách Hoá Xanh.
Trong nửa cuối năm, đại diện MWG cho biết sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng hàng tươi sống, thu hút thêm khách hàng mới và tăng tần suất mua sắm của khách hàng cũ đồng thời cải thiện giá trị giỏ hàng để tăng doanh thu chuỗi.
MWG cũng tối ưu chi phí vận hành và tiết kiệm chi phí logistics để tăng biên lợi nhuận cho BHX.
Về triển vọng kinh doanh, ông Phạm Văn Trọng, Quyền Giám đốc điều hành của Bách Hoá Xanh, dự báo tăng trưởng khoảng 10% doanh thu trong nửa cuối năm. "Đội BHX vẫn giữ niềm tin BHX sẽ đạt điểm hoà vốn trong năm nay", ông Trọng chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư.
6 tháng đầu năm, BHX chỉ tập trung vào cải thiện doanh thu của những cửa hàng hiện hữu, chưa tìm thêm công thức mở rộng. Với hơn 1.700 cửa hàng, ông Trọng cho rằng việc tìm ra mô hình để mở rộng là không quá khó.
Sau khi tập trung cải thiện doanh thu cho chuỗi trong nửa đầu năm thì nửa cuối năm, BHX sẽ tập trung cải thiện chuỗi cung ứng qua việc thay đổi mô hình cung ứng để cải thiện chi phí logistics. Đồng thời BHX sẽ thay đổi lại mô hình vận hành mỗi cửa hàng.
Ông Trọng chia sẻ thêm, trong năm sau BHX chưa có kế hoạch mở ồ ạt.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của MWG,CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh - đơn vị quản lý và vận hành chuỗi này, tiếp tục lỗ thêm gần 659 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tổng lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6/2023 là 8.054 tỷ đồng.
Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.
Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Có thể mở rộng chuỗi An Khang từ năm 2024
Đối với An Khang hiện đang đứng top 3 về số cửa hàng thuốc (537 cửa hàng tại ngày 30/6) và top 2 về doanh thu. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT cho biết từ cuối năm 2022, chuỗi nhà thuốc này đã ngừng mở rộng. Trong năm 2023, chuỗi nhà thuốc không có kế hoạch mở rộng và sẽ tập trung tối ưu vận hành về trưng bày, tồn kho, trình độ của dược sĩ, giá cả và các hoạt động thu hút khách hàng.
Đối với một nhà thuốc, theo ông Hiểu Em hai yếu tố quan trọng nhất là thuận tiện và đủ thuốc.
Ông Hiểu Em chia sẻ, phấn đấu tới tháng 12 năm nay, chuỗi An Khang sẽ đạt được điểm hoà vốn và sau đó nhân rộng các cửa hàng để gia tăng thêm độ phủ. Bên cạnh đó, MWG không có ý định thu hẹp hay bán lại chuỗi nhà thuốc An Khang.
Doanh thu của ngành dược tăng liên tục qua các năm, quy mô khoảng 7,1 tỷ USD (169.000 tỷ). Việt Nam được xếp vào đất nước có tăng trưởng cao nhất ở ngành dược. 70% doanh thu đến từ kênh ETC (đấu thầu qua bệnh viện) còn 30% đến từ kênh OTC (bán lẻ).
Có trên 60.000 nhà thuốc truyền thống, chiếm 95% về số lượng và 85% về doanh thu của ngành dược phẩm. Ông Hiểu Em đánh giá dư địa của ngành dược vẫn rất lớn.
Trong cơ cấu doanh thu của An Khang, 60% là thuốc, 40% còn lại thuộc về nhóm bao gồm thực phẩm chức năng, thiết bị y tế. Trong đó, nhóm thực phẩm chức năng có biên lợi nhuận tốt hơn.
Theo thông tin từ báo cáo tài chính của MWG thì nửa đầu năm, CTCP Bán lẻ An Khang - đơn vị quản lý và vận hành chuỗi An Khang lỗ khoảng 151 tỷ nửa đầu năm, cả năm 2022 lỗ 306 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế hết quý II là 469 tỷ.
Về chuỗi AVAKids - mô hình startup của MWG, tới đầu năm công ty đã ngừng mở rộng chuỗi. Trong 2023, tương tự An Khang, MWG cũng không có kế hoạch mở rộng chuỗi này và sẽ tập trung vào tối ưu vận hành, trưng bày để gia tăng trải nghiệm mua sắm và đa dạng danh mục sản phẩm.
Luỹ kế 6 tháng, AVAKids đạt khoảng 350 tỷ doanh thu trên 64 cửa hàng. Doanh thu trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng/cửa hàng. Dự kiến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu hoà vốn của chuỗi AVAKids.
Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng AVAKids đạt khoảng 1,45 tỷ là sẽ chạm điểm hoà vốn.