Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Kỳ vọng thị trường bán lẻ phục hồi cuối năm 2023 là lạc quan quá mức
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) nhận định tổng quan sức mua ngành bán lẻ sẽ không cải thiện đáng kể, dù tới mùa mua sắm cho dịp Giáng sinh, lễ Tết, đơn giản là do nền kinh tế phục hồi khá chậm chạp.
"Việc đặt kỳ vọng vào thị trường bán lẻ sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024 như trước giai đoạn COVID-19 là lạc quan quá mức", Chủ tịch MWG nói.
Về triển vọng ngành hàng điện thoại, điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc MWG đánh giá doanh thu năm 2023 sẽ giảm. Từ đầu năm, công ty đã nhận thức được thị trường khó khăn nên đã thực hiện chiến lược giá tốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của khách hàng, thông qua đó dần thu hẹp giá bán so với thị trường, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi,...
Kết quả là, lũy kế 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã khôi phục được 80% so với cùng kỳ. Ông Hiểu Em cho biết chiến lược này tiếp tục duy trì 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên sẽ có điều chỉnh để phù hợp với thị trường mùa cuối năm.
Bên cạnh doanh thu được cải thiện, thị phần của MWG cũng được gia tăng, trong đó rõ ràng nhất là hàng iPhone tăng từ 25% lên trên 45% thị phần, và chiếm tới 30% thị phần tiêu thụ điện thoại tại MWG.
Cũng vì chiến lược cạnh tranh về giá, biên lợi nhuận gộp của chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) bị ảnh hưởng trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục bị tác động trong nửa cuối năm.
Để cải thiện, MWG sẽ kết hợp chặt chẽ với các nhãn hàng để mang đến cho khách hàng những sản phẩm thiết thực, chỉ bán tại TGDĐ. Đồng thời công ty khai thác thêm các sản phẩm gia dụng (biên lãi cạnh tranh ít hơn). Song song đó là chuẩn bị cho hoạt động bán hàng ra mắt mẫu iPhone mới cũng như chuẩn bị cho dịp lễ Tết,…
Trả lời câu hỏi của cổ đông rằng biên lợi nhuận có thể quay lại mức cao như trước đây không, ông Nguyễn Đức Tài cho biết MWG tập trung vào lợi nhuận tuyệt đối chứ không phải biên.
“Cá nhân tôi thích bán nhiều, lời nhiều và thị phần tăng lên, hơn là câu chuyện bán ít đi và tỷ suất lợi nhuận tăng lên bởi vì cái đó dễ làm và không phải là hướng đi lâu dài”
Về triển vọng laptop, MWG cho rằng mùa "Back to school" là cơ hội lớn. Trong những năm dịch bệnh 2020, ngành hàng này đã tăng trưởng rất khủng, và chu kì này sẽ lặp lại sau ba năm, ông Hiểu Em đánh giá.
Hiện tại MWG đã kết hợp với các hãng để chuẩn bị về sản phẩm, khuyến mãi, đảm bảo hàng tồn kho,.. để đón đầu cơ hội. Công ty đặt mục tiêu sẽ về bán ra 300.000 máy trong mùa tựu trường từ tháng 7 - 10, sản lượng bán ra chiếm 50% sản lượng bán laptop cả năm của MWG.
Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc BHX tin nửa cuối năm sẽ phục hồi nhưng vẫn thận trọng từ tháng 8 - 10 do mùa mưa và lễ. Mục tiêu BHX sẽ tăng trưởng 10% doanh thu trong nửa cuối năm.
BHX vẫn tự tin sẽ đạt hòa vốn trong năm nay. Năm 2024 BHX khả năng cao sẽ mục tiêu có lãi, kỳ vọng doanh thu/cửa hàng sẽ đạt 2 tỷ đồng, từ mức 1,6 tỷ đồng trong tháng 7/2023.
Đối với chuỗi An Khang, từ cuối 2022 công ty đã tạm dừng việc mở rộng. An Khang hiện tại sẽ tập trung tăng doanh thu cửa hàng, tối ưu vận hành, quản lý tối ưu hàng tồn kho, nâng cao năng lực dược sĩ và nguồn cung ứng thuốc cũng như xây dựng giá trị của nhà thuốc.
"Công ty không bắt buộc phải mở nhà thuốc quá to, chỉ cần diện tích 30 m2 – 40 m2 nhưng đảm bảo phải đủ thuốc và nỗ lực thực hiện mục tiêu tiến tới điểm hòa vốn vào tháng 12/2023, sau đó nhân rộng độ phủ vào năm sau", đại diện MWG nói.
Trong 3 - 5 năm tới, An Khang sẽ mở rộng. Nguyên do là Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành dược với định giá 7,1 tỷ USD. Hiện tại kênh OTC (thuốc bán không kê đơn) có trên 60.000 nhà thuốc truyền thống, chiếm 95% về số lượng và 85% doanh thu. Trong khi đó An Khang mới đạt trên 500 cửa hàng do đó dư địa phát triển là rất lớn, điều quan trọng là sớm đạt điểm hòa vốn.