Chiến lược tài chính của Thế Giới Di Động giúp công ty thoát lỗ quý II
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cho thấy quy mô tài sản của doanh nghiệp đạt 59.369 tỷ đồng cuối kỳ.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tổng giá trị 24.420 tỷ đồng. Đây cũng là quý ghi nhận lượng tiền nhàn rỗi cao kỷ lục của MWG.
Nhờ khoản tiền gửi dồi dào, nửa đầu năm, MWG ghi nhận 809 tỷ lãi tiền gửi, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II, tổng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đã ngang ngửa với lợi nhuận gộp (5.441 tỷ), chưa tính tới chi phí tài chính (397 tỷ). Do đó, nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính (585 tỷ) - đến chủ yếu từ lãi tiền gửi thì MWG nhiều khả năng sẽ ghi nhận quý thua lỗ trong bối cảnh lợi nhuận quý về mức thấp nhất lịch sử (17 tỷ).
Song song với việc trữ lượng tiền gửi lên mức cao kỷ lục thì MWG cũng đồng thời gia tăng vay nợ. Tổng nợ vay cuối quý II của MWG là 22.236 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn, tăng khoảng 29% sau một quý và đều là vay tín chấp từ ngân hàng với lãi suất thả nổi. Trong đó dư nợ vay dài hạn là 5.899 tỷ, đáo hạn ngày 16/9/2025.
Nửa đầu năm, công ty đi vay tổng cộng 27.857 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 22.207 tỷ. Chi phí lãi vay trong 6 tháng là 680 tỷ.
Nhờ áp dụng nghiệp vụ gửi tiết kiệm lãi cao và đi vay lãi thấp trong môi trường lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt nửa đầu năm giúp MWG ghi nhận lãi tiền gửi vượt khoản chi phí đi vay sau 4 quý liên tiếp ghi nhận giá trị âm.
Trong bối cảnh sức yếu cầu, MWG cho hay đã chủ động kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho từ quý IV/2022 để giảm chi phí tài chính và rủi ro giảm giá hàng hoá. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của công ty ở giai đoạn hiện nay.
Kết thúc quý II, tổng gía trị hàng tồn kho của MWG là 21.874 tỷ, không tăng đáng kể so với cuối quý I, trong đó công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 282 tỷ.
Sức mua điện thoại và điện máy nói chung suy yếu kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay (ngoài sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Để thu hút thêm khách hàng mới (nhóm chưa được phục vụ và nhạy cảm về giá) đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu, công ty đã thực hiện chiến dịch "giá rẻ quá" từ cuối tháng 3, giúp doanh thu hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chỉ còn giảm 8% so với quý I và giảm 20% so với cùng kỳ.
MWG thông tin chiến lược này giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt là sản phẩm Apple.
Áp dụng chiến lược "giá rẻ quá" khiến biên lãi gộp trong quý II của MWG rơi về còn 18,4%, thấp kể từ quý II/2019 còn biên lãi thuần về đáy.
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.
Doanh thu thuần quý II giảm 14% còn 29.465 và lãi ròng hơn 17 tỷ, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MWG đạt 56.570 tỷ đồng doanh thu thuần và 39 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 20% và 98% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới thực hiện được 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/