Doanh nghiệp lợi gì khi áp dụng Bộ Chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI)
Năm nay, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã hé hộ những lỗ hổng trong hoạt động quản trị và vận hành kinh tế, qua đó cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của phát triển bền vững.
Chương trình và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng Bộ chỉ số này sẽ giúp hoạt động quản trị của doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn. Đồng thời, góp phần cao sức cạnh tranh và sức chống chịu cho doanh nghiệp khi nền kinh tế có biến động ảnh hưởng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã phơi bày lỗ hổng quản trị trong doanh nghiệp Việt, đó là vấn đề về khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng...
Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản, rời khỏi thị trường do khủng hoảng bởi dịch bệnh trong thời gian qua.
Bộ Chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Với Bộ chỉ số CSI doanh nghiệp có thể soi mình để tự kiểm tra “sức khỏe”, đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững và tiếp cận những cơ hội kinh doanh mới.
Từ đầu năm nay dịch bệnh COVID 19 khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và phải đối mặt với không ít những thách thức. Trong đó ngành dệt may cũng chịu những tác tiêu cực, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, hoạt động sản xuất cầm chừng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, bằng những sự nỗ lực của tập thể người lao động, sự nhạy bén trong định hướng chiến lược cụ thể, phù hợp với bối cảnh thực tế, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực.
Cũng theo ông Đức, việc thực hiện chỉ số CSI là một cam kết phát triển bền vững và minh bạch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Áp dụng các chỉ số này đem lại nhiều hiệu quả trong công tác quản trị, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Ban Tổng Giám đốc đã tích hợp các thông tin trong Bộ chỉ số CSI gắn liền với hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp và đảm bảo khoanh vùng được những lỗ hổng trong quản trị và cụ thể là việc gắn trách nhiệm hiệu quả công việc với đánh giá định lượng để kiểm soát được quản lý rủi ro nhằm giảm rủi ro.
Thêm vào đó thì xác định được những ưu điểm của mình và nắm bắt được cơ hội để phát triển” - ông Đức nói.
Tăng trưởng kinh doanh hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người lao động không chỉ là đòi hỏi của xã hội với cộng đồng doanh nghiệp, mà đã trở thành nhu cầu tự thân của nhiều doanh nghiệp.
Vì vậy, thời gian qua các doanh nghiệp cũng đã nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Từ đó, nhanh chóng có những hành động thiết thực điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Bảo Long – Giám đốc truyền thông Công ty Tetra Pak Việt Nam, hiện doanh nghiệp không chỉ tập trung vào tối ưu hoá lợi nhuận mà luôn cân bằng giữa lợi nhuận và vấn đề bảo vệ môi trường.
“COVID 19 làm cho tiêu dùng và kinh doanh giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng tác động khá nhiều tới kinh doanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhưng đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp phải đánh giá lại. Chúng ta thấy rằng là việc phát triển bền vững không phải một thứ để trưng bày, đây là một phần giúp cho doanh nghiệp có thể tăng được sức cạnh tranh” - ông Long nói.
Chủ tịch Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 "Vì sự phát triển bền vững" cũng đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững 2020.
Đồng thời nhấn mạnh, Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam mong muốn có thể thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh “vì lợi nhuận trước mắt” bằng tư duy “kinh doanh nhân văn, lợi ích kinh tế hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn đối với cộng đồng doanh nghiệp”.
Từ đó, giúp quản trị doanh nghiệp hiệu quả, phát triển bền vững, lâu dài trong hiện tại và tương lai.
“Khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta chấp nhận chuẩn mực cao nhất về thương mại và đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu.
Chúng ta tái khởi động trong thời kỳ hậu COVID-19 nghĩa là chúng ta tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại và một trong những yêu cầu rất quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu là cần phải hướng tới phát triển bền vững hơn, an toàn và có trách nhiệm.
Từ đó, để chúng ta có thể tái khởi động thành công sau COVID-19” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, áp dụng bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững thì sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản.
Việc các doanh nghiệp thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số này sẽ kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện. Đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư và “đi tắt đón đầu” trong hoạt động của mình.