Mã số mã vạch và hòn đá tảng đè nặng lên vai doanh nghiệp
Tôi có một vài người bạn làm doanh nhân trong ngành logistics. Họ lập doanh nghiệp từ những năm 2000 như là làn sóng đầu tiên mà Luật Doanh nghiệp tiếp sức.
Thật đáng tiếc, hầu như tất cả đã ngồi chơi xơi nước suốt từ Tết đến giờ vì Covid-19. Đơn hàng không có, văn phòng đóng cửa và nhân viên nghỉ ở nhà.
Hôm nọ, một trong số đó gọi điện nói, công ty anh vừa có lô hàng xuất khẩu thì lại bị kẹt. Người ta đòi hồ sơ mã số mã vạch gì đó từ đối tác nước ngoài nhưng anh không thể lấy, vì thế, anh lại mất cái đơn hàng đầu tiên trong năm.
Tìm hiểu thì té ra có một quy định rất ngược đời: Quy định về đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 (Nghị định 74) mà đến gần đây mới có hiệu lực.
Khoản 9 Điều 1 của Nghị định quy định: “Đối với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế”, “Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài”.
Căn cứ quy định nói trên, cơ quan hải quan các cửa khẩu yêu cầu các lô hàng xuất khẩu đều phải có Giấy uỷ quyền của nhà nhập khẩu và Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho các trường hợp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Thủ tục xin Giấy xác nhận chỉ được thực hiện tại Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) lại có các yêu cầu gây khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể là:
- Thư ủy quyền của khách hàng (phải bản gốc) trong đó phải có thời hạn ủy quyền.
- Hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận kèm theo bảng dịch thuật tiếng Việt (Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp và biên lai đóng phí sử dụng mã số mã vạch hàng năm).
Do rất nhiều nước không có quy định này, cũng như không kiểm soát MSMV trên bao bì hàng nhập khẩu, họ chỉ kiểm soát các quy định về ghi nhãn theo quy định pháp luật của họ.
Do vậy, doanh nghiệp, như trường hợp cậu bạn tôi nêu trên, gặp vô cùng khó khăn khi đề nghị khách hàng cung cấp các giấy tờ liên quan.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, thủ tục đăng ký với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia vẫn thực hiện thủ công (bằng bản giấy), tốn kém chi phí và thời gian (sau khi nộp đủ hồ sơ, nhanh nhất 2-3 ngày mới có kết quả).
Vì vậy, để có được đầy đủ các giấy tờ nêu trên và hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số mã vạch nước ngoài với Trung tâm thì nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng bởi thông thường một lô hàng không chỉ có 1 mã hàng hoá.
Trong khi đó, rất nhiều đơn hàng xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần.
Về chi phí, doanh nghiệp phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm hoặc 10.000 đồng/sản phẩm đối với hồ sơ trên 50 mã sản phẩm, chưa kể đến các chi phí khác như chi phí cho việc lưu kho bãi, chi phí lãi vay ngân hàng,...
Như vậy, với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí các doanh nghiệp phải chi trả cho việc xin Giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.
Một số luật sư, nhà kinh tế sau khi được tham vấn cho biết, việc bổ sung mã số mã vạch vào Nghị định 74 không có cơ sở pháp lý.
Đầu tiên là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 không có bất kỳ quy định nào về mã số mã vạch.
Ngay cả Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng không quy định về mã số mã vạch.
Tuy nhiên, Nghị định 74 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP cũng trong phạm vi hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nhưng lại quy định bổ sung về mã số mã vạch.
Do đó, việc bổ sung quy định này vào Nghị định 74 là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, thông lệ quốc tế cũng cho thấy các nước trên thế giới và Tổ chức Mã số Mã vạch quốc tế đều không có quy định yêu cầu hàng xuất khẩu phải có Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với việc sử dụng mã đăng ký ở nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa cũng không có bất cứ yêu cầu nào về ghi mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.
Hơn nữa, việc cấp giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước do cơ quan cấp không có bất cứ một căn cứ nào (ngoài hồ sơ doanh nghiệp nộp) để kiểm tra, đối chiếu, so sánh.
Như vậy, việc cấp giấy này chỉ là hình thức, không có hiệu quả quản lý nhà nước.
Vấn đề mã số mã vạch không được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là đúng bởi mã số mã vạch chỉ có tác dụng cung cấp thông tin về doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, mã sản phẩm cụ thể và quốc gia của doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đó.
Nó hoàn toàn không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm, cũng không chứa đựng thông tin về chất lượng sản phẩm. Việc đưa vấn đề này vào Nghị định của Chính phủ thậm chí có thể gây hiểu nhầm là mã số mã vạch cho biết chất lượng sản phẩm.
Quy định trái khoáy này đã làm nhiều doanh nghiệp ấm ức lâu nay và nhiều người có trách nhiệm trong Chính phủ đã rất quan tâm.
Trong một động thái gỡ thế bí, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó nêu: Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc giấy ủy quyền sử dụng mã nước ngoài để theo dõi, tổ chức thực hiện hậu kiểm.
Nỗ lực này có vẻ càng thêm rối bởi cơ quan hải quan sẽ phải tiếp tục kiểm tra, kiểm tra thì mới có kết quả và cơ sở để “thông báo”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung phải thốt lên: “Bộ Khoa học Công nghệ lẽ ra cần suy nghĩ, vạch đường, tạo dựng thể chế thuận lợi để nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ....vì đó là con đường tất yếu để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thế mà Bộ lại tạo thêm rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, cả vào lúc doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhất, và Thủ tướng hô hào đến khản cổ về tháo bỏ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Quy định về mã số mã vạch hiện đang áp dụng theo nghị định 74 vừa thiếu cơ sở pháp lý, vừa thiếu cơ sở thực tiễn.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,4 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước cho thấy thực tế đó.
Trong bối cảnh doanh nghiệp chịu tác động rất nghiêm trọng bởi dịch bệnh thì việc tạo thủ tục thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu cần được quan tâm, chú trọng.
Quy định này là ‘ta tự trói ta’, là bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, làm tăng chi phí và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.