|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hậu dịch, lãnh đạo doanh nghiệp đi bán bánh

07:19 | 06/06/2020
Chia sẻ
Làm bánh, giao hàng, dạy tiếng Anh… là cách mà các hướng dẫn viên du lịch đang phải làm để tồn tại vượt qua đại dịch COVID-19.
Hậu dịch, lãnh đạo doanh nghiệp đi bán bánh - Ảnh 1.

Khách sạn đóng cửa, anh Duẩn chuyển sang làm bánh, bán nước ép hoa quả

Lãnh đạo, nhân viên đi bán bánh, giao hàng

Thay vì liên hệ với khách hàng để đặt tua, tư vấn điểm du lịch trong nước, quốc tế, hơn 2 tháng nay, chị Phạm Bích Chung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và du lịch KOJI (quận Ba Đình, Hà Nội) cùng các nhân viên chuyển sang làm bánh, bán hàng qua mạng để duy trì cuộc sống.

Vốn là đơn vị chuyên nhận tua nước ngoài với các thị trường lớn ở châu Á, từ trước Tết Nguyên đán, KOJI lên kế hoạch chào mời, chốt nhiều đơn hàng với khách hàng. Dịch xuất hiện, khiến kế hoạch kinh doanh đổ vỡ. 

Chị Chung cho biết, bình thường vào mùa cao điểm, ngoài việc dẫn đoàn, hướng dẫn viên du lịch còn phải làm nhiều công việc khác như chuẩn bị kế hoạch, nộp hồ sơ xin visa… 

Hướng dẫn viên tua nước ngoài có mức thu nhập dao động 80-100 triệu đồng/tháng. Thị trường trong nước không cao bằng, nhưng cũng đạt 30-40 triệu đồng/tháng.

Dịch lan rộng, tua nội địa và quốc tế bị hủy 100%, nhân viên các bộ phận không có việc làm, bị cắt giảm, thậm chí không có lương. 

“Đang nhận lương hàng chục triệu đồng, một số người sốc, xin nghỉ. Số còn lại tập trung thành nhóm, bán hoa quả, rau, đặc sản vùng miền. 

Người làm bánh, người giao hàng, tùy từng việc cụ thể, chia lợi nhuận. Thu nhập bấp bênh, mọi người phải dùng đến tiền tích lũy”, chị Chung nói thêm.

Bạn Nguyễn Thúy Hoàn, 24 tuổi, nhân viên Cty Asia Pacific Travel (Hà Nội) chia sẻ, khoảng thời gian này năm trước, bước vào mùa du lịch hè, công việc khá bận rộn, thu nhập mỗi tháng đều trên 30 triệu đồng. 

Du lịch đình trệ do dịch, Công ty không nhận được hợp đồng dẫn tua, cuộc sống đảo lộn. “Khách trong nước sụt giảm, du khách quốc tế chưa vào, không có việc, tôi chuyển sang dạy tiếng Anh tại nhà, bán bảo hiểm xe máy, nhân thọ. 

Ít học sinh, chưa quen bán bảo hiểm nên thu nhập thấp, tôi buộc phải cắt giảm chi tiêu, thuê phòng xa, rẻ hơn, có tháng phải xin thêm tiền bố mẹ”, chị Hoàn nói.

Thời gian này, khách sạn Hà Nội Era, số 22 Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thay vì phục vụ khách lưu trú, chủ tòa nhà kê 10 bộ bàn ghế ngay trước sảnh, phục vụ khách hàng mua bánh, nước ép hoa quả.

Anh Nguyễn Sỹ Duẩn, chủ khách sạn cho biết, 80% khách hàng thuê phòng ở khách sạn phố cổ là người nước ngoài. Dịch bệnh ập tới, đường bay quốc tế đóng cửa, khách giảm, lợi nhuận thu về không đủ cho chi phí thuê nhà, trả lương nhân viên. 

Không chấp nhận phá sản, anh Duẩn cùng nhân viên chuyển sang làm bánh ngọt, nước ép hoa quả bán qua mạng. Từ ông chủ 2 khách sạn hạng sang, 1 nhà hàng phục đồ ăn Tây, anh trở thành đầu bếp kiêm giao hàng. 

“Khách hàng đa số là bạn bè, người quen, nên thu nhập cũng theo ngày. Đây là công việc tạm thời, hết dịch lượng khách quốc tế ổn định, khách sạn sẽ mở cửa”, anh Duẩn nói thêm.

Anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên Cty Du lịch Bốn mùa Hà Nội cho biết, ngày trước phải bảo đảm 22 ngày công một tháng. Bây giờ, cả tháng chỉ đi làm khoảng 10 ngày. 

“Cả hai vợ chồng tôi đều làm trong ngành du lịch, mức thu nhập thuộc mức cao nên chúng tôi cho hai đứa con học trường quốc tế. Giờ công ty chỉ hỗ trợ mỗi người 5 triệu đồng/tháng khiến cuộc sống rất chật vật. 

Nếu từ giờ đến cuối năm, du lịch không khởi sắc, chắc tôi phải chuyển trường cho con”, anh Nam nói.

Chưa biết bao giờ thoát “nạn”

Chị Phạm Bích Chung cho biết, để cầm cự trong dịch, KOJI đang triển khai nhiều gói du lịch trong nước trọn gói, ưu đãi. 

Tuy nhiên, do các đơn vị khác cũng chỉ có thị trường này để khai thác, cộng thêm lượng khách hàng ít khiến kinh doanh hết sức khó khăn. 

Không có nguồn thu, nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm, hỗ trợ cho nhân viên 50% lương cơ bản nên Cty đang hoạt động được chừng nào hay chừng đó. “Hiện tại, chúng tôi chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, sớm quay trở lại công việc”, chị Chung nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội, cho biết, bộ phận kinh doanh lữ hành phải giảm 50% lương. Lĩnh vực nghỉ dưỡng cũng “đóng băng”. 

Những doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế như đơn vị này xác định còn đình trệ hoạt động tới hết năm 2020. 

“Từ nay đến hết tháng 9, tua du lịch nước ngoài phải hủy toàn bộ, tua nội địa khách không quá mặn mà. Mấy tháng qua doanh thu liên tục âm, hiện Cty còn đang phải chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. 

Giờ chỉ hy vọng các ngân hàng hỗ trợ lãi vay, chủ nhà giảm chi phí thuê mặt bằng. Như hiện tại, chúng tôi không biết liệu có thể cầm cự thêm được bao lâu” ông Tuấn nói.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để hỗ trợ nhóm lao động ngành du lịch vượt qua khủng hoảng, Hiệp hội đang phối hợp với các địa phương tổ chức phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc năm 2020.

"Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là địa điểm phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc. Đây cũng là điểm khởi đầu cho công cuộc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp du lịch", ông Bình nói thêm.

Võ Hóa

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.