|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tháo gỡ nút thắt cho ngành thủy sản, đón cơ hội hậu COVID-19

18:29 | 26/05/2020
Chia sẻ
Hiện nay một số thị trường khó khăn do dịch COVID-19 và có thể họ sẽ phục hồi sản xuất chậm hơn và đây là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam - hiện đang cung cấp nguồn hàng thủy sản cho 160 quốc gia trên toàn thế giới.

Ba nút thắt: thiếu lao động, kho lạnh và nguyên liệu 

Tại Hội nghị "Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hiện ngành thủy sản đang gặp khí khăn về dòng tiền, nguyên liệu và lao động.

Tháo gỡ nút thắt cho ngành thủy sản, đón cơ hội hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo đó, ông Nam cho biết kể cả ở qui mô gia đình hay qui mô công nghiệp, hiện nay vấn đề thiếu lao động đang là thách thức lớn đối với ngành thủy sản và cũng là vấn đề đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thiếu hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch kể cả khu vực sản xuất tập trung hay các khu vực biên giới. 

"Khi tiêu thụ hàng thủy sản gặp khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng mua hàng cho bà con nhưng việc thiếu kho lạnh vẫn là vấn đề mấu chốt", ông Nam nói. 

Bên cạnh đó, ông Nam cũng bày tỏ quan ngại việc thiếu nguyên liệu khi bà con gặp khó khăn hiện tại không thể thả nuôi được. 

"Đối với chuỗi sản xuất của chúng tôi, điều quan trọng nhất là làm sao gia tăng niềm tin. Chúng tôi đang cố gắng gây dựng niềm tin cho bà con để tạo ra nguyên liệu, tạo công ăn việc làm trong 3 tháng tới", ông Nam nói

Theo ông Nam, hiện nay một số thị trường khó khăn do dịch COVID-19 và có thể họ sẽ phục hồi sản xuất chậm hơn và đây là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam - hiện đang cung cấp nguồn hàng thủy sản cho 160 quốc gia trên toàn thế giới.

Đề xuất loạt giải pháp tăng cường nguồn nguyên liệu cho 3 tháng tới

Nhằm giải quyết lo ngại thiếu nguyên liệu trong thời gian tới, đặc biệt là tháng 5 và tháng 6, ông Nam kiến nghị xây dựng niềm tin cho người dân bằng việc đẩy mạnh chính sách hỗ trợ mà Việt Nam đã có trong thời gian qua. 

Đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân và nông dân tăng cường khai thác biển và thả nuôi trong tháng 5 này để kịp trong 3 tháng tới có nguyên liệu trong bối cảnh Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador phục hồi chậm hơn chúng ta.

Vấn đề lao động, ông Nam kiến nghị tăng cường thực thi hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách đã có và các gói cho doanh nghiệp vay thông qua ngân hàng chính sách để trả lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, đại diện của VASEP mong muốn các Bộ nhanh chóng sớm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong việc tháo gỡ khó khăn, sửa đổi, bãi bỏ qui định in mã số mã vạch nước ngoài lên bao bì hàng hóa xuất khẩu. 

VASEP cũng đề xuất lên Chính phủ và Bộ NN&PTNT xây dựng và xác lập mang tính pháp lí để mặt hàng thủy sản của chúng tôi được gọi đa số là hàng chế biến thay vì hàng sơ chế khiến doanh nghiệp phải chịu mức thuế cao.

 "Doanh nghiệp rất bất mãn khi phải chịu thuế hàng sơ chế rất cao trong khi họ phải nhập khẩu rất nhiều thiết bị để chế biến, bán trực tiếp cho siêu thị rồi cuối cùng bị coi là hàng sơ chế", ông Nam nói.

Bên cạnh đó, VASEP cũng mong muốn cải thiện việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu và gia công xuất khẩu theo nguyên tắc quản lí rủi ro nhiều hơn nhằm cân đối cạnh tranh với Thái Lan.

Cuối cùng, đại diện VASEP cho biết hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản và nông, ngư dân đang bị đánh giá thước đo rủi ro khá cao. 

"Đối với người nuôi yếu thế không có huy động mượn được nguồn tiền từ ngân hàng mà phải mượn trung gian. Đây là mắt xích tạo ra giá thành cao đối với ngành thủy sản và rất khó để vay", đại diện của VASEP cho hay.

H.Mĩ

[LIVE] ĐHĐCĐ Techcombank: Phát triển thêm các mảng không phải thế mạnh như SME, tín dụng tiêu dùng
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.