Tập đoàn Cao su và ba động lực tăng trưởng
CTCP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 dự kiến tổ chức ngày 12/6 tới đây.
Trong năm nay, mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Cao su dự kiến gần 24.650 tỉ đồng, tăng gần 8% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 4.029 tỉ đồng, tăng hơn 5%. Với công ty mẹ, GVR duy trì chỉ tiêu hoạt động kinh doanh tương đương cùng kì.
Đáng chú ý, GVR dự kiến dành gần 1.900 tỉ đồng cho hoạt động tài chính dài hạn chưa được nêu rõ, đây là con số tương đối lớn, gấp gần 3 lần năm 2019. Cổ tức dự kiến duy trì 6% tiền mặt.
Thực tế, đây là kế hoạch xây dựng cuối năm 2019 đã được Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận. Nhưng trước sự bùng phát của COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của GVR, do đó HĐQT cho biết việc xây dựng kế hoạch sát tình hình thực tế là rất khó khăn.
Trong tờ trình đại hội, HĐQT đề nghị cổ đông ủy quyền cho phép điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020, trên tinh thần phấn đấu tối đa để đạt hiệu quả cao nhất.
Năm nay cũng là năm mà GVR đặt ra nhiều mục tiêu thay đổi trong hoàn cảnh khó khăn.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Cuối quí I, cổ phiếu GVR niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cùng với đó là những yêu cầu về tính công khai, minh bạch. Ban lãnh đạo Tập đoàn cho rằng việc nâng cao chất lượng quản trị không chỉ thực hiện ở công ty mẹ mà còn với 20 công ty TNHH MTV và các doanh nghiệp khác mà GVR nắm cổ phần.
Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh. Tập đoàn chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực ngành nghề chính có truyền thống gồm: trồng, chăm sóc chế biến mủ sao su (hiện nay lợi nhuận không cao do giá giảm, chỉ duy trì qui mô hiện đại, không đầu tư mở rộng); chế biến gỗ cao su (lợi nhuận khá tốt và có cơ hội phát triển nên sẽ đầu tư bổ sung, công với tái cơ cấu thông qua sáp nhập một số doanh nghiệp gỗ trong ngành để nâng sức cạnh tranh, thương hiệu); sản phẩm công nghiệp cao su (lợi nhuận không cao, cạnh tranh lớn, duy trì như hiện tại; chỉ đầu tư khi có cơ hội, đối tác thực tốt); khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su (lợi nhuận cao, tiềm năng, nhiều lợi thế nên tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh trong năm 2020, giai đoạn 2021 - 2025); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (lợi nhuận khá tốt, nhưng làm thận trọng vì rủi ro đầu ra, công nghệ sản xuất… sẽ nâng dần qui mô phù hợp với tình hình thực tế).
Trong thời gian ngắn hạn và định hướng trung hạn, GVR cho biết vẫn phát triển đồng thời 5 ngành nghề kinh doanh chính trong đó tập trung đầu tư ba lĩnh vực để tạo đà tăng tốc: sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu các nguồn lực của doanh nghiệp.
Việc này bao gồm tái cơ cấu quĩ đất, với đất không phù hợp trồng cao su thì chuyển đổi cây trồng (cây nông nghiệp, trồng rừng); nếu đầu tư không hiệu quả thì chuyển nhượng tài sản; bàn giao lại đất cho địa phương.
Ngoài ra, với yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, GVR phải phát triển và trồng khoảng 20.000 ha rừng, tương ứng 5% diện tích cao su hiện nay. Tập đoàn định hướng sẽ phát triển mạnh tại các công ty miền Trung, thay vì phát triển đồng đều tại các công ty.
Công tác thoái vốn ngoài doanh nghiệp, tính đến hết năm 2019 Tập đoàn dự kiến thực hiện thoái vốn các đơn vị ngoài ngành chính thu về 2.343 tỉ đồng, lãi 952 tỉ đồng.
Tới nay, giá trị thoái vốn ngoài ngành đã được phê duyệt khoảng 2.061 tỉ đồng, trong đó giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện là khoảng 1.079 tỉ đồng, chiếm hơn 50% giá trị.
Ban lãnh đạo Tập đoàn cho rằng đây là nguồn thu đáng kể để cân đối vốn cho đầu tư phát triển, tạo lợi nhuận trước mắt để bù đắp phần thiếu hụt do tác động bởi dịch bệnh và các yếu tố khách quan khác làm giá mủ cao su giảm.
Thứ tư, tiếp tục sắp xếp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
GVR cho biết đang tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi 20 công ty TNHH MTV sở hữu 100% sang CTCP, mục tiêu tăng tính minh bạch, thu hút vốn đầu tư bên ngoài (trước mắt có thể thực hiện tại các công ty có hiệu quả như Cao su Dầu Tiếng, Cao su Bình Long…)
Tập đoàn cũng muốn sáp nhập các công ty có qui mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập công ty có qui mô nhỏ vào công ty lớn cùng ngành nghề để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí gián tiếp… (trong năm 2020 sáp nhập Cao su Quavan vào Cao su Việt Lào, VRG Oudomxay vào Quasa Geruco, sáp nhập Cao su Hương Khê Hà Tĩnh và Cao su Hà Tĩnh, sáp nhập Cao su Đồng Phú Đăk Nông và Cao su Đồng Phú…)
Thứ 5, quản lí chi phí, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí trong tình cảnh nhiều sự kiện khó khăn. Với giá thành sản phẩm tốt nhưng duy trì chất lượng sản phẩm tốt là điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ trên thị trường, ban lãnh đạo cho biết.