CEO Viettel Post lí giải kế hoạch doanh thu tăng đột biến lên hơn 19.200 tỉ đồng
Sáng 6/6, Tổng CTCP Bưu chính Việt Nam (Viettel Post - Mã: VTP) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
"Tự nhiên Viettel Post trở thành thánh Gióng về mạng lưới"
Trong năm nay, HĐQT Viettel Post trình đến cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu đột biến 19.232 tỉ đồng, tăng 143% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến 496 tỉ đồng, chỉ tăng hơn 30%.
Đây là mục tiêu khiến nhiều cổ đông không khỏi thắc mắc, rằng liệu tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của Viettel Post có giảm sút?
Thực tế, Tổng giám đốc Trần Trung Hưng cho biết công ty vẫn đặt kế hoạch đối với mảng chuyển phát - logistics tăng trưởng rất cao, trên 40%. Phần doanh thu đột biến một phần đến từ việc Viettel Post vận hành kinh doanh mảng dịch vụ viễn thông tại các cửa hàng.
Cụ thể, mảng dịch vụ viễn thông từ Tập đoàn Viettel sẽ hạch toán trên cơ sở chi phí cộng gộp, sau đó chuyển thành doanh thu của Viettel Post, phía công ty tối ưu hoạt động để tạo ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, hoạt động viễn thông bản chất là tỉ suất lợi nhuận thấp, ngay cả các đại lí cấp một cũng chỉ đạt 4,6%, ông Hưng cho biết.
Mặc dù không đem về hiệu quả lợi nhuận, nhưng ban lãnh đạo Viettel Post nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi được sở hữu toàn bộ hơn 262.000 điểm bán cộng hơn 800 cửa hàng.
“Đây giống như sự đầu tư của Tập đoàn hơn là bàn giao dịch vụ. Tự nhiên Viettel Post trở thành thánh Gióng về mạng lưới”, CEO Trần Trung Hưng nói.
Góp lời, Chủ tịch HĐQT Tào Đức Thắng (cũng là Phó TGĐ Viettel) cho biết: “Một trong những điều làm nên ưu thế của ngành chuyển phát là có nhân lực, địa điểm, lấn càng sâu càng tốt vào mọi ngõ ngách.
Trong quá trình định vị lại, Viettel Post cũng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ viễn thông của Viettel. Đơn vị viễn thông không còn chỉ đơn thuần là viễn thông nữa mà tập trung vào các dịch vụ chuyển đổi số. Tập đoàn thực hiện chuyên biệt hóa, những việc bán hàng viễn thông chuyển giao cho đơn vị outsource trong đó có Viettel Post”.
Chủ tịch Thắng nói đây là những sắp xếp đã bàn chiến lược của Tập đoàn, Viettel Post không mất gì mà còn có lợi nhuận.
Ban lãnh đạo công ty nói rằng, từ thời điểm các cửa hàng về với Viettel Post đều đạt mức tăng trưởng cao trên 38% làm cơ sở cho lợi nhuận. Công ty cũng không cần phải mở các bưu cục tại cùng khu vực đó, do vậy tiết kiệm được chi phí.
Cuộc chiến giá với các sàn thương mại điện tử
Nói về tình hình kinh doanh cho đến thời điểm hiện tại, CEO Viettel Post cho biết quí I đã hoàn thành kế hoạch, quí II dự kiến đạt từ 95 - 98% do ảnh hưởng bởi COVID-19.
“Trong cao điểm dịch, doanh thu khách hàng cũ của chúng tôi giảm 46%, lượng khách dừng không có hàng hóa là 31%, nhưng mọi thứ đang hồi phục trở lại trong những tháng gần đây”, ông Trần Trung Hưng nói.
Từ năm nay cũng như trong tương lai, Viettel Post định hướng đẩy mạnh phát triển mảng fullfillment, một trong những trục logistics của công ty. Năm 2020 dự kiến mảng này chiếm khoảng 20% doanh thu, cơ sở đến từ hệ thống kho mà công ty mẹ Tập đoàn Viettel đã bàn giao từ cuối năm ngoái.
CEO Viettel Post cho biết công ty còn có tham vọng hơn nữa là muốn tiên phong xây dựng hạ tầng mạng lưới bưu chính đường trục.
Trong quá trình phát triển những năm gần đây, Viettel Post vấp phải sự cạnh tranh của nhiều đối thủ trong đó có chính những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
CEO Trần Trung Hưng nói rằng nhiều doanh nghiệp sao chép động thái của Viettel Post sau đó quay trở lại chiến tranh trực tiếp với công ty và mức giảm giá dịch vụ thì rất khủng khiếp, chỉ 14.000 đồng so với 38.000 đồng.
Các sàn thương mại điện tử đều gửi công văn muốn hợp tác với Viettel Post, nhưng mức giá đưa ta thì không thể hợp tác được. Vị CEO này nói rằng nếu Viettel Post tham gia cuộc chiến về giá thì sẽ là đơn vị chịu bất lợi đầu tiên, khi đó cả doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Đó là lí do, Viettel Post phải từ chối lời mời gọi từ các sàn thương mại.
“Khi chúng ta xuất sắc hơn và rẻ hơn thì chẳng có lí do gì các sàn thương mại điện tử họ lại tự đi làm chuyển phát cả. Thực tế, chi phí chuyển phát chỉ chiếm 4% trên giá trị đơn hàng, chi phí cho marketing và xử lí đơn hàng chiếm hơn 12%. Khi chúng ta tập trung vào tiết giảm phần chi phí lớn hơn, hiệu quả đem về sẽ lớn hơn cho chúng ta, khách hàng và các sàn thương mại”, ông Hưng nói.
Hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử với Voso.vn đến nay gần tròn một năm tuổi, ban lãnh đạo công ty cho biết mới chỉ là bước khởi đầu.
Sẽ không tham gia vào cuộc chiến "khô máu" với các sàn thương mại điện tử lớn khác nhưng Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết Viettel Post có nhiều lợi thế đặc biệt:
Thứ nhất, lực lượng chuyển phát sâu rộng len lỏi đến ngõ xóm; thứ hai, tập khách hàng lớn và hệ sinh thái người dùng của Viettel; thứ ba, hỗ trợ công nghệ từ công ty mẹ; thứ tư, định hướng riêng biệt vào mặt hàng đặc sản; cuối cùng là xu thế thanh toán không tiền mặt, đặc biệt mobile money đang được thúc đẩy.
ĐHĐCĐ năm nay thông qua việc từ nhiệm của hai thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Tào Đức Thắng và ông Lương Ngọc Hải; thay vào đó bầu ông Nguyễn Đình Chiến và ông Đinh Thanh Sơn, cùng đến từ Tập đoàn Viettel.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/