|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhóm G20 (Group of twenty) là gì? Vai trò của G20 đối với nền kinh tế thế giới

16:22 | 17/10/2019
Chia sẻ
G20 (tiếng Anh: Group of twenty) là tên gọi viết tắt của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
nhóm g20

Hình minh họa. Nguồn: Vectorstock

Nhóm G20

Khái niệm

Nhóm G20 trong tiếng Anh là Group of twenty

G20 là tên gọi viết tắt của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai mươi nền kinh tế này bao gồm 19 nước (Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Argentina, Brasil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, México, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Anh, Ý) và Liên minh châu Âu. 

Ngoài 20 thành viên chính thức trên, trong các cuộc họp của G20 còn có sự tham gia của Giám đốc Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Chủ tịch của Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế (IMFC) và Chủ tịch Ủy ban phát triển (DC) của IMF và WB. 

G20 được thành lập vào năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, với hội nghị đầu tiên diễn ra tại Berlin (Đức). 

Vai trò của G20

Thông cáo thành lập của G20 tuyên bố G20 được thành lập nhằm cung cấp một cơ chế mới cho việc đối thoại không chính thức trong khuôn khổ hệ thống Bretton Woods, mở rộng thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính quan trọng giữa các nền kinh tế chủ chốt trong hệ thống và thúc đẩy hợp tác nhằm giúp nền kinh tế thế giới đạt được tăng trưởng ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. 

Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, qua đó giúp củng cố cấu trúc tài chính quốc tế, G20 cũng mang lại cho các thành viên một diễn đàn nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế quốc tế hiện hành khác. 

Trên phương diện sức mạnh kinh tế, tính đến thời điểm hiện tại, G20 chiếm khoảng 90% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của thế giới và trên 80% thương mại thế giới (bao gồm thương mại nội khối EU). Trên phương diện địa lí và dân số, G20 gồm đại diện của cả 5 châu lục và chiếm đến 2/3 dân số thế giới. 

Tổ chức

G20 hoạt động mà không có ban thư ký hay nhân viên thường xuyên. Ghế chủ tịch luân chuyển hàng năm giữa các thành viên và được chọn từ nhóm các quốc gia thuộc các khu vực khác nhau. Để bảo đảm tính liên tục cho các hoạt động của nhóm qua các năm, G20 có cơ cấu quản lí theo hình thức "troika" gồm 3 thành viên, đó là nước giữ cương vị chủ tịch đương nhiệm, chủ tịch của năm trước và chủ tịch của năm tiếp theo. 

Chủ tịch đương nhiệm lập ra ban thư kí lâm thời trong suốt nhiệm kì của mình để phối hợp công việc của nhóm và tổ chức các cuộc họp của nhóm. Vai trò của Troika là đảm bảo sự liên tục trong công việc của G20 và quản lí trong những năm làm chủ nhà.

Một số thành tựu

Sau một thời gian tồn tại, G20 đã đạt được một số thành quả tích cực trên một loạt các vấn đề, bao gồm các thỏa thuận về chính sách tăng trưởng, giảm lạm dụng hệ thống tài chính, đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính và chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. 

G20 cũng giúp thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi bằng cách tăng cường tính minh bạch của chính sách tài chính, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trao đổi thông tin về các vấn đề thuế.

G20 đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phối hợp đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2007 - 2008.

Việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giữa các nước thành viên cũng được tăng cường nhằm tạo khuôn khổ cho tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời xoa dịu các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng. 

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.