|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều ông lớn châu Á gửi tiền tại Silicon Valley Bank

09:59 | 14/03/2023
Chia sẻ
Nhiều công ty châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Nhật Bản, Hàn Quốc cho biết họ có những khoản tiền gửi tại Silicon Valley Bank.

Một số công ty công nghệ châu Á đã tiết lộ các khoản tiền gửi tại Silicon Valley Bank - ngân hàng có mối quan hệ gắn bó sâu sắc trong lĩnh vực công nghệ, theo Bloomberg. Đa phần các công ty châu Á nhấn mạnh rằng số tiền gửi này không ảnh hưởng lớn tới hoạt động của họ.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại. Việc SVB sụp đổ chưa chắc đã tạo tác động đủ lớn đối với nhiều công ty tên tuổi nhưng cuộc khủng hoàng này lại ảnh hưởng và tạo ra rủi ro đối với hàng trăm triệu USD cho các công ty nhỏ. Trong đó, nhiều công ty đang ở giai đoạn đầu và chưa có lãi.  

Ít nhất 10 công ty Hong Kong, chủ yếu liên quan đến công nghệ sinh học, đã liệt kê SVB là chủ ngân hàng của họ trong hồ sơ trao đổi. Đây là thông tin được nhà đầu tư và người sáng lập Webb-site.com, David Webb tiết lộ.

Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản được coi là một trong những công ty có khả năng chịu tác động nhiều nhất với cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Lo ngại này xuất hiện vì các khoản đầu tư khổng lồ của SoftBank vào công nghệ. Tập đoàn này có cổ phần trong OakNorth Bank, công ty đang đàm phán để mua chi nhánh SVB của Vương quốc Anh.

Các công ty châu Á không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. (Ảnh: Bloomberg).

Ngân hàng cho vay nhà nước Trung Quốc - Shanghai Pudong Development Bank, cũng có thể bị ảnh hưởng vì có một công ty liên doanh với SVB. Ngân hàng SPD Silicon Valley cho biết trong một tuyên bố rằng họ luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, đồng thời có bảng cân đối kế toán độc lập.

Một công ty Trung Quốc khác là Andon Health cho biết họ đã gửi khoảng 5% tiền mặt và tài sản tài chính của họ tại SVB kể từ ngày 10/3, theo một tuyên bố gửi cho sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. 

Trong khi đó, tại Hong Kong, Brii Bioscatics cho biết chưa đến 9% tổng số dư tiền mặt của họ được giữ tại SVB kể từ ngày 28/2. Công ty đang hợp tác chặt chẽ với SVB và FDIC để theo dõi các cập nhật về vụ việc và giảm thiểu mọi tác động tiềm ẩn.

Broncus Holding của Hong Kong cũng có khoảng 11,8 triệu USD, tương đương khoảng 6,5% lượng tiền và các khoản tương đương tiền, đã được gửi tại SVB kể từ ngày 10/3. “Công ty đang tích cực làm việc để bảo toàn và thu hồi tiền gửi của mình tại SVB,” công ty cho biết trong một hồ sơ.

Công ty dược phẩm sinh học BeiGene thông báo các khoản tiền gửi không có bảo hiểm được giữ tại SVB, chiếm 3,9% tổng lượng tiền và các khoản tương đương tiền tính đến ngày 31/12/2022. “Công ty không cho rằng những diễn biến gần đây với SVB sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của mình", BeiGene trấn an.

Zai Lab - nhà phát triển các phương pháp điều trị ung thư cho biết họ có 2,3% tổng tiền mặt được gửi tại SVB. Tuy nhiên, công ty không lo ngại điều này vì lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của họ lên tới hơn 1 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Ở Nhật Bản, ngoài SoftBank, nhà quản lý tài sản Sumitomo Mitsui Trust Holdings có 0,29% cổ phần của SBV Financial Group - công ty mẹ của Silicon Valley Bank, tính đến cuối quý IV năm ngoái.

Một số công ty thuộc nước láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng đã lên tiếng về SVB. Đáng chú ý là Dịch vụ hưu trí quốc gia Hàn Quốc. Theo đó, quỹ hưu trí công của Hàn Quốc có 0,17% cổ phần trong SBV Financial Group, tính đến cuối quý IV năm ngoái.

Nhà phát triển game của Ấn Độ là Nazara Technologies cho biết hai đơn vị có liên quan gián tiếp đến công ty có khoảng 7,8 triệu USD tại SVB. Ở Australia, Xero - nhà cung cấp phần mềm kế toán cho biết tổng số tiền của họ tại SVB là khoảng 5 triệu USD tính đến ngày 10/3. Trong khi đó, nhà sản xuất phần mềm SiteMinder cho biết họ có lượng tiền lên tới 6,66 triệu USD tại SVB và SVB UK, bao gồm cả các khoản thanh toán dự kiến ​​từ khách hàng và đối tác. 

Trong nỗ lực củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về rủi ro lây lan, các nhà chức trách Mỹ cho biết tất cả những người gửi tiền sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại Grow Investment Group, nhận định: “Hầu hết đều nghĩ rằng SVB là một rủi ro đặc thù và đang được chính quyền Mỹ giải cứu. Hiện tại, thị trường đang chọn bỏ qua các chi tiết kỹ thuật này.”

Mới đây, hơn 300 quỹ đầu tư tại Mỹ bày tỏ thiện chí sẵn sàng làm ăn trở lại với SVB dưới quyền sở hữu mới. Trong một tuyên bố chung được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm cá nhân chia sẻ trên mạng xã hội sau vụ ngân hàng đổ vỡ, nhóm quỹ đầu tư này cho biết:

"Silicon Valley Bank đã là đối tác lâu năm và đáng tin cậy của ngành đầu tư mạo hiểm và những người sáng lập của chúng tôi. Trong 40 năm, nó là một nền tảng quan trọng đóng vai trò then chốt trong việc phục vụ cộng đồng khởi nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đổi mới ở Mỹ. Các sự kiện diễn ra trong 48 giờ qua đã gây thất vọng và lo ngại sâu sắc.

Trong trường hợp SVB được mua và được tái cấp vốn phù hợp, chúng tôi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và khuyến khích các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi nối lại quan hệ với họ.”

Thùy Trang