|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank đưa ra 6 khuyến nghị cho Việt Nam nhìn từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank

15:37 | 13/03/2023
Chia sẻ
Theo Giám đốc Quốc gia World Bank, Việt Nam cũng có vấn đề thắt chặt tiền tệ, cũng như thanh khoản ở ngân hàng nhỏ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải giám sát khu vực tài chính, nắm vững các diễn biến và chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng hành động.

Sáng 13/3, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố báo cáo Điểm lại – Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với tiêu đề: “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”.

Tại báo cáo này, World Bank đánh giá, Việt Nam đang đứng trước những rủi ro ở cả bên trong và bên ngoài, trong nửa đầu năm 2023 xuất  khẩu sang Mỹ và EU yếu hơn trong khi lợi ích từ việc Trung Quốc mở lại chưa thực sự rõ ràng.

Với bối cảnh trong nước, nhu cầu đang quay lại mức bình thường, song vẫn chịu một số áp lực do lạm phát. World Bank dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ước tính 6,3% trong năm nay, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,5%, nguyên nhân là do giá điện, tiền lương đều dự kiến tăng trong năm nay.

Tại buổi công bố báo cáo, chuyên gia World Bank Dorsati Madani chỉ ra, nhiều điểm bất định khiến cân đối chính sách trở nên khó khăn. Theo đó, với rủi ro bên ngoài, áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh Mỹ, EU tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn khiến các đối tác thương mại phục hồi chậm lại trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế lớn trên thế giới cũng gây ra những biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc phục hồi không đồng đều hoặc chưa đầy đủ trong năm 2023 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến xuất khẩu với Việt Nam.

Tác giả báo cáo từ World Bank khuyến nghị, chính sách của Việt Nam trong bối cảnh này cần giữ vững hai nguyên tắc: Đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng - lạm phát và phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ có vai trò quan trọng để duy trì sự ổn định.

Trong đó, chính sách tài khoá cần giữ quan điểm hỗ trợ bằng việc triển khai hiệu quả những dự án đầu tư công ưu tiên là cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đem lại thanh khoản.

Bài học từ vụ sụp đổ của SVB

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, đã có những nhìn nhận về vụ việc sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley Bank (SVB) vào cuối tuần qua và hàm ý chính sách với Việt Nam.

Theo bà Turk, cuối tuần qua thế giới đã chứng kiến vụ đóng cửa của SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ. Tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu. 

Theo lãnh đạo World Bank tại Việt Nam, trong nền kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách phải xử lý những những biến động

"Chúng ta cũng thấy ở Việt Nam cũng có vấn đề thắt chặt tiền tệ, cũng như một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải giám sát khu vực tài chính, nắm vững các diễn biến và chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng hành động", bà Carolyn Turk nói.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế của World Bank cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm yếu trong hệ thống tài chính của Việt Nam như việc xảy ra tại các công ty bất động sản và ngân hàng xảy ra vào tháng 9, tháng 10 năm 2022.

6 gợi ý chính sách cho Việt Nam 

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế của World Bank. (Ảnh: Hạ An).

Để giải quyết những điểm yếu này, theo bà Dorsati Madani cần tăng cường khung chính sách và giám sát đối với các định chế tài chính cũng như thay đổi về mặt pháp lý, văn hoá.

Đầu tiên, cần tập trung vào việc tăng cường cơ chế giám sát dựa trên rủi ro của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tránh gặp phải rủi ro như vụ việc SVB.

Hai là, tăng cường cơ chế giải quyết những ngân hàng yếu hoặc mất khả năng trả nợ.

Ba là, thiết lập khuôn khổ cơ chế và chính sách chặt chẽ để giám sát các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại, bao gồm phân tách rõ ràng giữa ngân hàng và tập đoàn doanh nghiệp.

Bốn là, sửa đổi Luật về các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo cơ quan giám sát được giao nhiệm vụ pháp lý và được bảo vệ theo pháp luật khi thực thi nhiệm vụ với thiện ý và trong phạm vi trách nhiệm giám sát.

Năm là, tăng cường các chuẩn mực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm thúc đẩy thị trường chào bán đại chúng theo hướng minh bạch hơn, trong mối tương quan với thị trường chào bán riêng lẻ và tăng cường áp dụng đánh giá định mức tín nhiệm để bảo vệ nhà đầu tư và ngăn ngừa lạm dụng thị trường.

Sáu là, tăng cường minh bạch chung trong khu vực tài chính qua định kỳ công bố thông tin theo các chỉ tiêu về thị trường tài chính và khu vực ngân hàng một cách kịp thời và đầy đủ chi tiết.

Bà Dorsati Madani nhấn mạnh, thiếu minh bạch thông tin và dữ liệu về khu vực ngân hàng có thể góp phần gây ra những bất định và biến động trên thị trường.

 

Hạ An