|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguồn vốn con người (Human Capital) là gì? Vai trò của nguồn vốn con người

10:22 | 23/10/2019
Chia sẻ
So với khái niệm vốn hữu hình như máy móc, thiết bị, công cụ, nhà xưởng… Vốn con người hay vốn nhân lực (tiếng Anh: Human capital) là một khái niệm tương đối mới và có nhiều điểm khác biệt so với vốn hữu hình. Vốn con người có vai trò ngày càng quan trọng và được tích lũy và đầu tư với tốc độ ngày càng nhanh.
Nguồn vốn con người (Human Capital) là gì? Vai trò của nguồn vốn con người - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: acsv.com.vn)

Nguồn vốn con người (Human Capital)

Khái niệm

Nguồn vốn con người trong tiếng Anh là Human Capital.

Nguồn vốn con người thực chất là một hình thức vốn vô hình khi so sánh với các hình thức vốn hữu hình. Là các kiến thức, kĩ năng, năng lực, và các tố chất khác của các cá nhân giúp tạo ra những giá trị về kinh tế, xã hội và của bản thân.

Đặc điểm của nguồn vốn con người

- Thứ nhất, diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) còn xây dựng Chỉ số vốn con người (Human Capital Index) để đánh giá toàn diện thực trạng cũng như triển vọng phát triển vốn con người của các quốc gia. 

Chỉ số này bao gồm có 4 trụ cột chính: trình độ học vấn, sức khỏe, việc làm và môi trường, trong đó có môi trường pháp lí, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của vốn con người. Chỉ số vốn con người là một chỉ số tổng hợp nhằm hướng tới đánh giá vốn con người một cách toàn diện.

- Thứ hai, khi vốn con người cao hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn, đem lại lợi ích cho bản thân người đó cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Vai trò của vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế

- Một là, nghiên cứu điển hình của Mankiw và cộng sự (1992), khi bổ sung thêm biến số vốn con người, mô hình tăng trưởng của Solow phản ánh sát thực trạng quá trình tăng trưởng của các quốc gia, trong đó yếu tố vốn con người có vai trò quan trọng đối với quá trình này. 

Theo Nelson và Phelps (1996), vốn con người là nhân tố quyết định đến việc tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài và do đó tác động tới tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

- Hai là, khi lượng vốn con người ngày càng nhiều thì năng suất nghiên cứu, tạo ra các mẫu mã mới càng cao. Do vậy, vốn con người quyết định quá trình tăng trưởng và một trong những nguyên nhân của tăng trưởng chậm là do quá ít vốn con người được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu. 

Tựu chung lại, các mô hình tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh tới yếu tố vốn con người trong quá trình kiến tạo, triển khai và tiếp nhận công nghệ mới để tạo ra tăng trưởng.

- Ba là, các lí thuyết tăng trưởng nội sinh và các lí thuyết về vốn con người đều khẳng định rằng vốn con người quyết định năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu định lượng cho thấy vốn con người là nhân tố làm tăng thu nhập cho các cá nhân. 

Mặc dù kết quả định lượng về tác động của vốn con người tới tăng trưởng kinh tế cũng rất khác nhau, hầu hết các nghiên cứu định lượng đều khẳng định cùng với các nghiên cứu lí thuyết về vai trò và tầm quan trọng của vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Lao động)

Đỗ Đức Nhượng