|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Người được ủy thác (Fiduciary) là ai? Trách nhiệm của nghĩa vụ ủy thác

12:07 | 16/12/2019
Chia sẻ
Người được ủy thác (tiếng Anh: Fiduciary) là một cá nhân hoặc tổ chức hoạt động trên danh nghĩa của một hay nhiều người khác với nhiệm vụ quản lí tài sản.
GettyImages-695596764-f85a2ca6141c41f7ba858ffb56e9b1fd

Người được ủy thác

Khái niệm

Người được ủy thác, tiếng Anh gọi là fiduciary.

Người được ủy thác là một cá nhân hoặc tổ chức hoạt động trên danh nghĩa của một hay nhiều người khác với nhiệm vụ quản lí tài sản. Về cơ bản, người được ủy thác có bổn phận đáp ứng sự tín nhiệm và lòng tin của bên ủy thác. Đây là nghĩa vụ pháp lí cao nhất của một bên với một bên, và người được ủy thác có trách nhiệm đạo đức phải hành động vì lợi ích tốt nhất của bên ủy thác.

Người được ủy thác chịu trách nhiệm về tình trạng chung của bên ủy thác, nhưng thường công việc của họ sẽ liên quan nhiều đến vấn đề tài chính, như là quản lí tài sản cho một người hoặc một nhóm người.

Người quản lí tiền, cố vấn tài chính, ngân hàng, kế toán, người thi hành di chúc, thành viên hội đồng quản trị, và các cán bộ công ty đều có nghĩa vụ ủy thác.

Hiểu rõ hơn về nghĩa vụ ủy thác

Nghĩa vụ ủy thác (Fiduciary Duty) xuất hiện rất nhiều trong mối quan hệ kinh doanh, bao gồm:

- Người được ủy thác và người thụ hưởng

- Thành viên hội đồng quản trị và cổ đông

- Người thi hành di chúc và người thừa kế

- Người giám hộ và người được giám hộ

- Luật sư và khách hàng

- Tổ chức đầu tư và nhà đầu tư

Trách nhiệm và nghĩa vụ ủy thác có cả yếu tố pháp lí và đạo đức. Khi một bên chấp nhận nghĩa vụ ủy thác trên danh nghĩa của một bên khác, họ có nghĩa vụ phải hành động vì lợi ích của bên ấy, là bên sở hữu tài sản mà họ đang quản lí.

Nghĩa vụ ủy thác của thành viên hội đồng quản trị

Các giám đốc của một công ty có nghĩa vụ ủy thác, vì họ được coi là người được ủy thác của các cổ đông nếu như họ là thành viên của hội đồng quản trị, hoặc là người được ủy thác của người gửi tiền nếu họ là giám đốc của một ngân hàng. Những nghĩa vụ cụ thể bao gồm:

Nghĩa vụ tận tâm: Các quyết định của hội đồng quản trị sẽ ảnh hưởng đến tương lai của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị có nghĩa vụ phải tìm hiểu kĩ tất cả các quyết định và ảnh hưởng của chúng đối với doanh nghiệp.

Nghĩa vụ hành động một cách thành tín (Act in Good Faith): Kể cả sau khi đã cân nhắc kĩ các sự lựa chọn, hội đồng quản trị vẫn có trách nhiệm phải thực hiện sự lựa chọn đem lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và cổ đông.

Nghĩa vụ trung thành: Hội đồng quản trị không được đặt các lí do, quyền lợi và mối quan hệ nào cao hơn bổn phận đối với doanh nghiệp và cổ đông.

Nếu một thành viên của hội đồng quản trị bị phát hiện vi phạm nghĩa vụ ủy thác của họ, họ có thể phải chịu trách nhiệm trước tòa án với chính công ty hoặc các cổ đông của công ty.

Nghĩa vụ ủy thác trong đầu tư

Tuy người được ủy thác đầu tư thường là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính (người quản lí tiền, ngân hàng,...), nhưng người được ủy thác đầu tư có thể là bất kì ai có trách nhiệm pháp lí cho việc quản lí tiền của người khác. 

Điều này có nghĩa là nếu bạn tình nguyện ngồi vào ban quản lí đầu tư của một tổ chức tình nguyện địa phương hoặc một tổ chức nào khác, thì bạn phải chịu trách nhiệm ủy thác. Bạn là người được đặt niềm tin, và có thể sẽ có hậu quả nếu bạn phản bội lại niềm tin đó.

(Theo Investopedia)

Thiên Cơ