|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (Tracking Error) là gì? Đặc điểm

12:29 | 19/04/2020
Chia sẻ
Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (tiếng Anh: Tracking Error) là mức chênh lệch giữa hành vi giá của một vị thế hoặc danh mục đầu tư và hành vi giá của điểm chuẩn, hay tỉ lệ tham chiếu.
Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (Tracking Error) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu

Khái niệm

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu trong tiếng Anh là Tracking Error.

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu là mức chênh lệch giữa hành vi giá của một vị thế hoặc danh mục đầu tư và hành vi giá của điểm chuẩn, hay tỉ lệ tham chiếu

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu thường xuất hiện khi các quĩ phòng hộ, quĩ tương hỗ hoặc quĩ hoán đổi danh mục (ETF) không hoạt động hiệu quả như dự kiến, và tạo ra một khoản lãi hoặc lỗ bất ngờ.     

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu là tỉ lệ phần trăm sai lệch (hay độ lệch chuẩn) so với tỉ lệ tham chiếu điểm chuẩn, thể hiện mức chênh lệch giữa lợi suất mà nhà đầu tư nhận được với mức điểm chuẩn mà họ đang cố gắng bắt chước theo.       

Đặc điểm Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu 

Vì rủi ro của danh mục đầu tư thường được đo theo các điểm chuẩn thị trường, mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu được sử dụng để đánh giá mức độ khoản đầu tư đang hoạt động tốt như thế nào. 

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu cho thấy tính nhất quán của khoản đầu tư so với điểm chuẩn trong một khoảng thời gian nhất định. 

Ngay cả các danh mục đầu tư được lập chỉ mục hoàn toàn với điểm chuẩn cũng đôi khi dịch chuyển theo hướng khác với điểm chuẩn, mặc dù mức chênh lệch này trên cơ sở hàng ngày, hàng quí hoặc hàng năm có thể rất thấp. 

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu được sử dụng để định lượng mức chênh lệch này.   

Tính toán Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu 

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu là độ lệch chuẩn của mức chênh lệch giữa lợi nhuận khoản đầu tư và điểm chuẩn khoản đầu tư. 

Biết được chuỗi lợi nhuận của một khoản đầu tư hoặc danh mục đầu tư, và điểm chuẩn của nó, mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu được tính như sau:   

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu = Độ lệch chuẩn của (P - B) 

Trong đó:

 - P là tỉ suất lợi nhuận danh mục đầu tư. 

 - B là tỉ suất lợi nhuận điểm chuẩn tham chiếu.     

Giả sử một quĩ tương hỗ vốn hóa lớn được cấu trúc theo điểm chuẩn là chỉ số S&P 500 có lợi nhuận sau 5 năm được ghi nhận là:     

Quĩ tương hỗ: 11%, 3%, 12%, 14% và 8%.   

Chỉ số S&P 500: 12%, 5%, 13%, 9% và 7%.   

Với dữ liệu này, các mức chênh lệch theo năm là (11% - 12%), (3% - 5%), (12% - 13%), (14% - 9%) và (8% - 7%) bằng -1%, -2%, -1%, 5% và 1%. 

Độ lệch chuẩn của loạt các mức chênh lệch này hay mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu là 2,79%.       

Ý nghĩa của Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu

Từ quan điểm của một nhà đầu tư, mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu có thể được sử dụng để đánh giá các nhà quản lí danh mục đầu tư. 

Nếu người quản lí thu lại lợi nhuận trung bình thấp và có mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu lớn, đó là dấu hiệu cho thấy khoản đầu tư đó có dấu hiệu không ổn và nhà đầu tư cần tìm một nhà quản lí khác.   

Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu cũng có thể được sử dụng để dự báo hiệu suất đầu tư, đặc biệt đối với các nhà quản lí danh mục đầu tư theo trường phái định lượng. Họ thường lập các mô hình rủi ro bao gồm nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán. 

Các nhà quản lí này có thể xây dựng một danh mục đầu tư sử dụng các yếu tố tác động đến điểm chuẩn (chẳng hạn như phong cách, mức đòn bẩy, quán tính giá hoặc vốn hóa thị trường), để tạo ra một danh mục có mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu sát với điểm chuẩn.   

Các yếu tố tác động đến Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu 

 - Giá trị tài sản ròng (NAV) của một quĩ chỉ số thường có xu hướng thấp hơn mức điểm chuẩn của nó, bởi vì các quĩ này thường có tính phí. Tỉ lệ chi phí cao trong một quĩ chỉ số có thể gây tác động tiêu cực đến hiệu suất của quĩ. 

Tuy nhiên, các nhà quản lí quĩ có thể khắc phục tác động âm của phí quĩ bằng cách thực hiện tái cân bằng danh mục đầu tư, quản lí cổ tức và các khoản thanh toán lãi, hoặc cho vay chứng khoán.    

Ngoài phí quĩ, một số yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng đến mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu là mức độ nắm giữ của quĩ phù hợp với tỉ lệ nắm giữ của chỉ số tham chiếu hoặc điểm chuẩn.   

Giao dịch các chứng khoán kém thanh khoản cũng có thể làm tăng khả năng xảy ra các mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.  

Nguyên nhân là do các giao dịch này thường dẫn đến sự khác biệt về giá đáng kể so với giá thị trường khi quĩ mua hoặc bán chứng khoán đó, do chênh lệch giá mua – giá bán các tài sản này thường lớn hơn. 

 - Cuối cùng, mức độ biến động của chỉ mục hay điểm chuẩn cũng có thể ảnh hưởng đến mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.   

(Theo Investopedia)

Lê Thảo