Mô hình ưu việt EFQM (The EFQM Excellence Model) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: franchising.com)
Mô hình ưu việt EFQM
Khái niệm
Mô hình ưu việt EFQM trong tiếng Anh là The EFQM Excellence Model.
Mô hình ưu việt của Liên đoàn quản lí chất lượng châu Âu (European Foundation for Quality Management - EFQM) là mô hình giúp thiết lập một cơ cấu tổ chức thích hợp và một hệ thống quản lí tương ứng với cơ cấu đó để xây dựng một tổ chức ưu việt.
Mô hình ưu việt EFQM được dựa trên giả thuyết rằng các kết quả hoàn hảo về hiệu suất, khách hàng, con người và xã hội đạt được thông qua sự hợp tác, các nguồn lực và các qui trình. Đây là kết quả mang tính định hướng và tập trung mạnh mẽ vào khách hàng.
Mô hình giải thích những lỗ hổng về hiệu suất và xác định phương hướng cải thiện. Đó là mô hình không theo qui tắc, được củng cố bởi các yếu tố nền tảng:
- Khả năng lãnh đạo và kiên trì theo đuổi mục đích;
- Quản lí bằng qui trình và thực tế;
- Sự phát triển và tiến bộ của nhân viên;
- Sự học hỏi, sáng tạo và tiến bộ không ngừng;
- Phát triển hợp tác;
- Trách nhiệm chung.
Mô hình ưu việt EFQM là mô hình chung để đánh giá và thiết kế cơ cấu công ty theo những kinh nghiệm tốt nhất. Điều này được dựa trên những yếu tố về văn hóa và cấu trúc khác nhau với ý định phát triển một tổ chức ưu việt. Mô hình này có thể được sử dụng bởi các nhà quản lí của bất kì tổ chức nào muốn thực hiện chiến lược, tái thiết kế và phát triển qui trình cùng cơ cấu tổ chức.
Phương pháp sử dụng
Mô hình ưu việt EFQM phân biệt năm khu vực tổ chức (những người có khả năng) và bốn khu vực thực hiện (kết quả).
Khu vực tổ chức là những nhân tố chính để quản lí hiệu quả một tổ chức: khả năng lãnh đạo, chính sách và chiến lược, con người, sự hợp tác và các nguồn lực, các qui trình.
Kết quả chính của việc thực hiện không chỉ phản ánh tổ chức đó đang hoạt động tốt như thế nào mà còn là thước đo sức khỏe của công ty từ những góc nhìn khác nhau: kết quả từ khách hàng, kết quả từ con người, kết quả từ xã hội và kết quả thực hiện chủ yếu.
Khả năng lãnh đạo
Yêu cầu nhà quản lí phải:
- Phát triển nhiệm vụ, tầm nhìn và giá trị;
- Là hình mẫu cho văn hóa ưu việt;
- Đích thân quan tâm đến sự phát triển, thực hiện và cải thiện hệ thống quản lí của công ty;
- Quan tâm đến khách hàng, đối tác và những đại diện xã hội;
- Khuyến khích, hỗ trợ và thừa nhận con người trong tổ chức.
Chính sách và chiến lược
Những tiêu chuẩn sau được sử dụng như cơ sở nền tảng để xác định tính ưu việt:
- Nhu cầu và mong đợi hiện tại và tương lai của các cổ đông;
- Thông tin cho việc đo lường hiệu suất, nghiên cứu, học hỏi và những hoạt động mang tính sáng tạo;
- Sự phát triển, xem xét và cập nhật liên tục;
- Triển khai thực hiện thông qua một mô hình những qui trình chủ đạo;
- Truyền thông và thực hiện.
Con người – đóng vai trò chính
Theo như EFQM:
- Nguồn nhân lực cần được hoạch định, quản lí và cải thiện cẩn trọng;
- Tài năng và kiến thức của con người nên được nhận diện, phát triển và duy trì;
- Con người phải dồn hết tâm trí làm việc và cần được trao quyền lực;
- Cần có những cuộc đối thoại giữa những người ở các cấp bậc khác nhau trong tổ chức;
- Con người cần được khen thưởng, công nhận và quan tâm.
Sự hợp tác và nguồn lực
Tính ưu việt yêu cầu sự quản lí về:
- Hợp tác từ bên ngoài;
- Tài chính;
- Các tòa nhà, thiết bị, nguyên liệu;
- Công nghệ;
- Thông tin và kiến thức.
Qui trình
Những qui trình ưu việt:
- Được thiết kế và quản lí có hệ thống;
- Được cải thiện có tính chất đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng và gia tăng giá trị;
- Tạo ra những sản phẩm cũng như dịch vụ được thiết kế và phát triển tốt nhất có thể đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của khách hàng;
- Sản xuất, phân phối và phục vụ sản phẩm và dịch vụ;
- Là những qui trình quản lí và củng cố mối quan hệ với khách hàng.
(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)