|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar (Domar economic growth model) là gì?

10:34 | 11/02/2020
Chia sẻ
Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar (tiếng Anh: Domar economic growth model) là mô hình lí thuyết nghiên cứu vai trò hai mặt của đầu tư trong việc mở rộng tổng cầu và tổng cung của nền kinh tế theo thời gian.
Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar (Domar economic growth model) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar (Domar economic growth model)

Định nghĩa

Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar trong tiếng Anh là Domar economic growth model.

Mô hình tăng trưởng kinh tế Domar là mô hình lí thuyết nghiên cứu vai trò hai mặt của đầu tư trong việc mở rộng tổng cầu và tổng cung (hay tổng sản phẩm trong nước tiềm năng) của nền kinh tế theo thời gian.

Phân tích mô hình tăng trưởng kinh tế Domar

Là một trong những thành tố của tổng cầu, chi tiêu cho đầu tư làm tăng tổng cầu. Theo lí thuyết của Keynes về xác định thu nhập, thu nhập tăng cho đến khi tiết kiệm do thu nhập bổ sung tạo ra đủ để bù lại mức đầu tư cao hơn. Nghĩa là:

ΔS = sΔY = ΔI

trong đó ΔS là mức tăng tiết kiệm, s là xu hướng tiết kiệm cận biên, ΔY là mức tăng thu nhập và ΔI là mức tăng đầu tư. Điều này hàm ý

ΔY = ΔI/s

Lí thuyết ngắn hạn về xác định thu nhập của Keynes bỏ qua ảnh hưởng khác của chi cho đầu tư: đầu tư làm tăng năng lực sản xuất. Ảnh hưởng tạo ra năng lực sản xuất này có ý nghĩa nhỏ trong ngắn hạn, nhưng tăng trưởng kinh tế gắn với thời hạn dài và trong dài hạn, vai trò của đầu tư trong việc làm tăng năng lực sản xuất cần được xem xét cùng với tác dụng tạo ra nhu cầu của nó.

Vấn đề do Domar đưa ra là: "nếu đầu tư làm tăng năng suất và thu nhập, vậy đầu tư cần tăng trưởng với tỉ lệ bao nhiêu để làm tăng thu nhập ở mức bằng tăng năng lực sản xuất?"

Để trả lời câu hỏi này, Domar lập ra một phương trình, trong đó một vế biểu thị tỉ lệ tăng năng lực sản xuất, còn vế kia biểu thị tỉ lệ tăng thu nhập với lời giải của nó cho biết tỉ lệ tăng trưởng cần thiết.

Chúng ta hãy giả sử mỗi đồng đầu tư I làm tăng năng lực sản xuất một lượng bằng θ đồng một năm. Ví dụ θ bằng 1/3 nếu cần có 3.000 đồng vốn đầu tư để sản xuất ra 1.000 đồng sản lượng một năm, thì mỗi đồng vốn đầu tư sẽ tạo ra 1/3 đồng sản lượng mỗi năm. Khi đó θ được gọi tỉ lệ sản lượng/vốn tăng thêm.

Đại lượng này cho giúp chúng ta xác định mối liên hệ giữa phần tăng thêm của đầu tư và phần tăng thêm của sản lượng do nó tạo ra.

Từ đó chúng ta tính được năng lực sản xuất tăng thêm của nền kinh tế bằng cách lấy I nhân với θ. Đó là ảnh hưởng tạo ra năng lực sản xuất của đầu tư và phía cung trong phương trình. Để sử dụng phần năng lực tăng thêm này, nhu cầu phải tăng thêm một lượng tương ứng.

Chuyển sang vế cầu của phương trình, lí thuyết nhân tử nói cho chúng ta biết rằng, với bất kì xu hướng tiết kiệm cận biên s cho trước nào, sự gia tăng thu nhập quốc dân cũng là một hàm không phải của I, mà của mức tăng đầu tư ΔI, nghĩa là của mức tăng đầu tư tuyết đối hàng năm tương ứng là:

ΔY = ΔI. (I/s)

trong đó (I/s) là nhân tử. Để đáp ứng điều kiện thu nhập và năng suất cần tăng theo cùng một tỉ lệ, chúng ta phải có phương trình:

ΔI. (I/s) = Iθ

Đây là phương trình cơ bản do Domar lập ra. Để giải phương trình này, chúng ta phải nhân hai vế với s và chia cho I để nhận được

ΔI/I = sθ

Vế trái biểu thị tỉ lệ tăng hàng năm của đầu tư. Để đảm bảo mức toàn dụng năng lực sản xuất ngày càng tăng mà chúng ta đã giả định, tỉ lệ này phải tăng với tỉ lệ phần trăm hàng năm bằng sθ. Thu nhập cũng phải tăng với tỉ lệ hàng năm tương ứng.

(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Minh Lan