|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình định giá lại (Revaluation model) là gì?

11:15 | 25/05/2020
Chia sẻ
Mô hình định giá lại (tiếng Anh: Revaluation model) là việc sau khi ghi nhận tài sản ban đầu theo giá gốc, khi lập Báo cáo tài chính, tài sản được ghi nhận theo giá định giá lại.
Mô hình đánh giá lại (Revaluation model) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: i.pinimg.com/originals

Mô hình đánh giá lại

Khái niệm

Mô hình đánh giá lại trong tiếng Anh là Revaluation model.

Mô hình đánh giá lại là việc sau khi ghi nhận tài sản ban đầu theo giá gốc, khi lập Báo cáo tài chính, tài sản được ghi nhận theo giá đánh giá lại.

Đó là giá trị hợp lí tại ngày đánh giá trừ đi khấu hao luỹ kế và các khoản lỗ do tổn thất tài sản. Quá trình đánh giá lại cần thực hiện một cách đầy đủ và thường xuyên để giá trị còn lại của tài sản không khác biệt quá lớn với giá trị hợp lý tại ngày khoá sổ

Nội dung

Giá trị còn lại tài sản được trình bày trên bảng cân đối kế toán = Giá trị hợp lí tại thời điểm đánh giá lại - Khấu hao lũy kế - Tổn thất lũy kế do tài sản giảm giá trị

Khi có sự thay đổi về công nghệ, môi trường kinh tế và pháp lí của tài sản, chỉ số giá liên quan đến tài sản thay đổi thường xuyên, dấu hiệu hư hỏng lỗi thời của tài sản…. thì cần phải đánh giá lại giá trị tài sản.

Tuy nhiên, tần suất của việc đánh giá lại phụ thuộc bản chất tài sản, có những tài sản đánh giá thường xuyên do sự thay đổi liên tục của giá trị thị trường, có những tài sản đánh giá định kì sau 3 đến 5 năm.

Mô hình đánh giá lại có ưu điểm là đảm bảo tài sản được phản ánh trên báo cáo tài chính theo mức giá phù hợp với mức giá kì vọng chung của thị trường. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thích hợp khi mà thị trường hoạt động một cách hoàn chỉnh để việc xác định giá trị hợp lí có thể đáng tin cậy.

Kế toán đánh giá lại tài sản

Khi đánh giá lại tài sản mà giá trị đánh giá cao hơn so với giá trị còn lại của tài sản trên bảng cân đối kế toán, thì giá trị tăng lên sẽ được gọi là thu nhập khác và được ghi nhận vào khoản chênh lệch đánh giá tài sản (là một mục thuộc vốn chủ sỡ hữu).

Trong trường hợp đánh giá khi giá giảm mà trước đó tài sản chưa có đánh giá tăng, thì khoản chênh lệch giảm đó được ghi nhận vào “lỗ do đánh giá lại tài sản” trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

-Trong trường hợp đánh giá tăng tài sản sau đó đánh giá giảm, khoản thặng dư chênh lệch đánh giá tài sản được ghi nhận do đánh giá tăng trước đó phải được loại trừ trước khi ghi nhận lỗ do đánh giá lại giảm tài sản. Phần chênh lệch do đánh giá giảm mà vượt quá số có thể ghi giảm vào khoản mục thặng dư đánh giá lại tài sản cần được ghi nhận là chi phí.

(Nguồn: ThS. Lê Thị Thanh Huyền, ThS. Đặng Vũ Khánh Vân - Học viện Ngân hàng, Tạp chí Tài chính kì 1 tháng 6/2019)

Mai Phạm