|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Luật kinh tế (Economic Law) là gì? Nội dung cơ bản của Luật Kinh tế trong nền kinh tế thị trường

09:44 | 05/09/2019
Chia sẻ
Luật kinh tế (tiếng Anh: Economic Law) là lĩnh vực pháp luật bao gồm tổng thể các qui định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lí và tiến hành hoạt động kinh doanh.
court-and-trial-vocabulary-english-for-everyone

Hình minh họa (Nguồn: dkn.tv)

Luật kinh tế (Economic Law)

Khái niệm

Luật kinh tế trong tiếng Anh là Economic Law.

Luật kinh tế là lĩnh vực pháp luật bao gồm tổng thể các qui định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lí và tiến hành hoạt động kinh doanh, bao gồm quá trình hình thành các loại chủ thể kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua các giao dịch hợp đồng của doanh nghiệp, quá trình giải thể, phá sản và giải quyết tranh chấp.

Đối tượng điều chỉnh của Luật kinh tế là:

- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thành lập, tổ chức quản lí, giải thể, phá sản doanh nghiệp

- Các quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện các hành vi cạnh tranh

- Các quan hệ xã hội phát sinh trong tổ chức và thực hiện các giao dịch kinh tế

- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh tế.

Nội dung cơ bản của Luật Kinh tế trong nền kinh tế thị trường

1. Luật Kinh tế qui định qui chế pháp lí về các loại chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế

- Luật Kinh tế qui định các loại hình doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khác

- Luật Kinh tế qui định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu tư

- Luật Kinh tế qui định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh và của người góp vốn

- Luật Kinh tế qui định vấn đề cơ cấu tổ chức quản lí (quản trị nội bộ) của mỗi loại hình doanh nghiệp

- Luật Kinh tế qui định vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp

- Luật Kinh tế qui định điều kiện, thủ tục rút khỏi thị trường của doanh nghiệp (bao gồm thủ tục giải thể và phá sản doanh nghiệp).

2. Luật Kinh tế qui định về các hoạt động thương mại, đầu tư và hợp đồng trong thương mại và đầu tư (gọi chung là hợp đồng thương mại)

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự do hợp đồng, tự do thương mại. 

Xét ở tầm ảnh hưởng, hoạt động thương mại không chỉ liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, đối tác của doanh nghiệp mà còn có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân khác, đến sự phát triển hàng hóa, dịch vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đây là lí do pháp luật cần qui định cơ sở pháp lí cần thiết cho doanh nghiệp tiến hành hoạt động thương mại cụ thể.

3. Luật Kinh tế điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Tự do kinh doanh và tự do khế ước cùng với sự giục giã của qui luật giá trị và bản tính của con người dẫn đến các hoạt động cạnh tranh tự phát có thiên hướng thái quá, cực đoan, nhằm gây rối, ngăn cản, hạn chế hoặc thủ tiêu cạnh tranh của các đối thủ... hủy hoại động lực phát triển kinh tế.

Đây là lí do cần có sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh.

4. Luật Kinh tế qui định về giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, đầu tư của tổ chức, cá nhân kinh doanh

Tranh chấp kinh tế bao gồm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp, bảo gồm cả tranh chấp trong quan hệ đầu tư, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ,.... Thông qua các văn bản pháp luật cụ thể, Luật Kinh tế là cơ sở pháp lí để xác định:

- Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh giữa họ với nhau hoặc với chủ thể khác có liên quan;

- Nghĩa vụ và hành vi vi phạm hợp đồng của các bên có tranh chấp trong hoạt động thương mại;

- Trách nhiệm pháp lí của bên có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, biểu hiện ở việc thực hiện các chế tài hợp đồng như phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, hủy hợp đồng...

- Cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại thông qua tự thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, tòa án.

(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động)

T.H