Lợi nhuận quý IV của PVD giảm 53%
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 824 tỷ đồng, giảm gần 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm 37%, mức giảm ít hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp giảm tới 75%. Biên lợi nhuận gộp theo đó chỉ còn ở mức 4,4%.
Nhờ tiết giảm hầu hết chi phí, cùng với việc có được khoản lãi từ tiền gửi, tiền cho vay và chênh lệch tỷ giá nên PVD báo lãi giảm 53% còn 71 tỷ đồng sau thuế. Đây là khoản lợi nhuận sau thuế cao nhất trong các quý năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 58%, đạt 59 tỷ đồng.
Cả năm 2020, doanh thu thuần của PVD đạt 5.228 tỷ đồng và lãi sau thuế 181 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% và 5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận 184 tỷ đồng.
Với kết quả này, PVD đã vượt 12% chỉ tiêu doanh thu và vượt 170% kế hoạch lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020.
Theo ban lãnh đạo, nếu như giai đoạn khủng hoảng giá dầu 2015 - 2019 trước đây PVD chỉ phải đối mặt với sự khan hiếm việc làm và đơn giá dịch vụ thấp thì trong năm 2020, PVD còn phải chịu áp lực đảm bảo tiến độ các chiến dịch khoan cho khách hàng trong bối cảnh lệnh phong tỏa biên giới giữa các quốc gia được triển khai đồng loạt, áp lực tìm việc làm thay thế khi các hợp đồng khoan đang thực hiện buộc phải dừng/giãn theo yêu cầu của khách hàng… và áp lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của PVD đến hết năm 2020 tương đương với ngày đầu năm, xấp xỉ 20.853 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tiền gửi có kỳ hạn ngân hàng ở mức 2.270 tỷ đồng, giảm 23% và chiếm khoảng 11% tổng tài sản. Khoản hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn khoảng 2.765 tỷ đồng, tương đương với cuối năm ngoái.
Ở phần nguồn vốn, nợ phải trả của PVD hơn 6.813 tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm và chiếm 1/3 tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng nợ đi vay cũng không có nhiều thay đổi so với đầu năm, hơn 3.864 tỷ đồng.