Lợi nhuận Gelex quý IV tăng 200%, nợ vượt 2,3 lần vốn chủ
Lợi nhuận quý IV tăng 200%, cả năm lãi gần nghìn tỷ đồng
Quý IV vừa qua, Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) ghi nhận doanh thu thuần 5.888 tỷ đồng, tăng gần 37% so với quý IV/2019; lợi nhuận gộp tăng 20% lên 856 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đi xuống giúp cho lợi nhuận sau thuế vọt lên gần 325 tỷ đồng, cao gấp ba lần cùng kỳ năm trước.
Gelex cho biết doanh thu và lợi nhuận gộp của các công ty thành viên trong lĩnh vực thiết bị điện tăng trưởng mạnh trong quý vừa qua do điều chỉnh trong chính sách bán hàng và một phần đến từ nhu cầu tăng cao trong lĩnh vực điện tái tạo. Lợi nhuận của các công ty thành viên trong lĩnh vực hạ tầng như CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), CTCP Phú Thạnh Mỹ cũng đi lên so với cùng kỳ.
Hiện nay Gelex gián tiếp sở hữu 60,46% vốn điều lệ của Viwasupco thông qua công ty con là CTCP Hạ tầng Gelex. Trong quý IV/2020, Viwasupco báo lãi ròng 59 tỷ đồng. Cùng kỳ 2019, công ty lỗ 61 tỷ đồng vì sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải.
Lũy kế cả năm 2020, Gelex ghi nhận doanh thu thuần 17.949 tỷ đồng, lãi sau thuế 966 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,2% và 17,7% so với năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.187 tỷ đồng, cao hơn 22% so với ước tính 975 tỷ đồng mà ban lãnh đạo công ty đưa ra trong đại hội cổ đông bất thường ngày 29/12/2020.
Đại hội bất thường đã thông qua kế hoạch chào bán thêm 293 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 60%) với mức giá 12.000 đồng/cp (so với giá hiện tại là 20.000 đồng/cp). Kế hoạch phát hành dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2021.
Ước tính số tiền thu được từ đợt phát hành là 3.500 tỷ đồng sẽ tài trợ cho các nhà máy điện gió, dự án bất động sản số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội), và bổ sung vốn lưu động của công ty mẹ và công ty con Gelex Electric.
Mục tiêu sáp nhập Viglacera
Theo Chứng khoán SSI, trong năm 2020 giá đồng đi lên nhưng CTCP Dây cáp điện Việt Nam – Cadivi (Mã: CAV - công ty con của Gelex) không chuyển hoàn toàn mức tăng giá nguyên liệu vào giá bán do ưu tiên mục tiêu gia tăng thị phần thay vì lợi nhuận. Thị phần của Cadivi tăng lên 23% trên cả nước và 41% ở thị trường dân dụng miền Nam. Ở miền Bắc, thị phần của Cadivi hiện dưới 7% và mục tiêu tăng lên hơn 10% trong thời gian tới.
Năm 2021 Gelex đặt mục tiêu doanh thu cả năm đạt 33.000 tỷ đồng, lãi trước thuế ước tính 1.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 83% và 26% so với thực hiện năm 2020. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc gia tăng sở hữu và hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera và mảng thiết bị điện kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng xây dựng nhà máy điện gió trong năm 2021.
Gelex hiện nay đang sở hữu 46,07% vốn điều lệ của Viglacera, tương đương khoảng 206 triệu cổ phiếu VGC. Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn từng có kế hoạch nâng sở hữu của Gelex tại Viglacera lên 51% trong năm 2020 nhưng không thành công, quyết tâm sẽ thực hiện được trong quý II/2021. Ông Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Viglacera.
Chia sẻ về kế hoạch thâu tóm Viglacera, ông Tuấn nói: "Kiểu gì chúng tôi cũng hợp nhất Viglacera trong năm 2021, chỉ là bằng cách nào thôi và chúng tôi sẽ chọn cách có lợi nhất cho cổ đông của công ty."
Nếu không thể sở hữu trên 51% vốn điều lệ, Gelex có thể sẽ hợp nhất Viglacera thông qua việc chi phối hội đồng quản trị. Báo cáo tài chính của Gelex ghi nhận khoản đầu tư vào Viglacera tại ngày 31/12 có giá trị 4.656 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 2.406 tỷ đồng ngày đầu năm.
Chuỗi hoạt động tái cấu trúc
Trong năm 2020, Gelex đã thực hiện hàng loạt hoạt động tái cấu trúc. Quý I, tổng công ty tổ chức lại công ty con là Công ty TNHH Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric) thông qua chuyển nhượng một phần vốn điều lệ mà tổng công ty đang sở hữu và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH thành Công ty cổ phần.
Cũng trong quý I, Gelex Electric mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu CAV và nâng tỷ lệ lợi ích tại Cadivi từ 94,01% lên 95,82%. Ngoài ra, Gelex Electric còn mua thêm 4,13 triệu cổ phiếu THI dẫn tới tăng tỷ lệ lợi ích tại Công ty cổ phần Thiết bị Điện (Thibidi) từ 83,01% lên 89,69%.
CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (Mã: HEM) – công ty con của Gelex Electric – đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thiết bị lưới điện G-Power vào quý I/2020, sở hữu 100% vốn. Ngoài ra, Gelex còn thành lập thêm các công ty dự án thuộc lĩnh vực năng lượng.
Ngày 30/6/2020, Gelex đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của tổng công ty tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics cho một đối tác doanh nghiệp.
Kể từ ngày này, Gelex mất quyền kiểm soát trực tiếp Gelex Logistics và gián tiếp các công ty con của Gelex Logistics bao gồm: CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans); Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics; CTCP Cảng Miền Nam, Công ty TNHH MTV Sotrans Hà Tĩnh, CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex, Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans, Tổng CTCP Đường sông Miền Nam và các công ty con.
Trong quý III/2020, Gelex Electric hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 63,65% phần vốn góp của Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT), nâng tỷ lệ biểu quyết của Gelex tại công ty này từ 36,35% lên 100% kể từ ngày 28/8/2020.
Gia tăng đòn bẩy tài chính
Tổng tài sản của Gelex tại ngày cuối năm là 27.132 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng (+28%) so với ngày 1/1/2020. Trong đó, vốn chủ sở hữu giảm 454 tỷ đồng còn 8.192 tỷ; tuy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng đáng kể nhưng lợi ích cổ đông không kiểm soát lại giảm đi. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tổng nợ/vốn chủ) tăng từ 1,46 lần lên 2,3 lần sau một năm.
Nợ phải trả tăng gấp rưỡi lên 18.939 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng 331 tỷ đồng (+8%), nợ vay dài hạn tăng gần 3.200 tỷ đồng (+70%). Trong năm 2020, Gelex đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Chi phí lãi vay năm vừa qua cũng tăng 21% lên 766 tỷ đồng.