Gelex quyết hợp nhất Viglacera trước quý II/2021: 'Không mua được 51% thì chi phối HĐQT'
Gelex quyết hợp nhất Viglacera trước quý II/2020, đặt mục tiêu doanh thu 33.000 tỷ đồng năm 2021
Sáng hôm nay (29/12), Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2020 với sự tham gia của 63 cổ đông, đại diện cho 58,64% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết trong năm 2020 vừa qua, công ty đã tập trung tăng trưởng thị phần thay vì đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên, tương tự với năm 2021 tới đây.
Bên cạnh đó, chia sẻ thêm về kế hoạch thâu tóm Viglacera, ông Tuấn cho hay: "Kiểu gì chúng tôi cũng hợp nhất Viglacera trong năm 2021, chỉ là bằng cách nào thôi và chúng tôi sẽ chọn cách có lợi nhất cho cổ đông của công ty."
Giá mua trung bình cổ phiếu VGC của Gelex dưới 25.500 đồng/cp, đây là mức giá rất tốt so với tiềm lực của Viglacera ở thời điểm hiện tại. Viglacera đang sở hữu quỹ đất rất lớn để làm khu công nghiệp ở phía Bắc và đang dần mở rộng quỹ đất về phía Nam. Cùng với đó, mảng vật liệu xây dựng của VGC rất tiềm năng, đặc biệt tại các mảng kính, sứ và gạch.
Hiện Gelex đang xúc tiến đàm phán với các cổ đông của Viglacera để mua hoàn thiện mục tiêu sở hữu 51% vốn điều lệ, như vậy công ty cần sở hữu thêm khoảng 4,5% nữa.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc liệu Gelex có mua phần vốn tại Viglacera do Bộ Xây dựng thoái, ông Tuấn cho biết thị trường chứng khoán đang trên đà tăng rất mạnh, các doanh nghiệp thoái vốn trên sàn ở mức giá rất cao, đặc biệt với cổ phiếu VGC.
Tổng giám đốc Gelex cho hay: "Với Gelex, chúng tôi không rót vốn cho những khoản đầu tư bị đắt và vượt quá giá trị của doanh nghiệp. Nếu Bộ Xây dựng thoái vốn với mức giá phù hợp thì chúng tôi sẽ quyết định đầu tư, còn không thì chúng tôi sẽ tìm kiếm những đối tác khác cùng tham gia với chúng tôi để quản trị.
Chúng tôi đang lựa chọn cách đi làm sao tiết kiệm nhất chi phí đầu tư vào Vigalcera. Quan điểm của Gelex đầu tư vào Viglacera là đầu tư dài hạn, do đó việc lựa chọn giá mua phù hợp, không cần rẻ nhưng cũng không muốn mua đắt."
Song song, ông Tuấn cho biết công ty cũng đang có những phương án khác, không cứ phải nắm giữ đủ 51% mới hợp nhất được Viglacera, chỉ cần chi phối HĐQT Viglacera cũng đã được hợp nhất rồi.
Sắp tới, Gelex sẽ quyết liệt hơn trong việc chi phối HĐQT cũng như cổ đông hợp nhất, mục tiêu phát triển Tổng công ty Viglacera tốt hơn. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết hợp nhất Viglacera dự kiến vào quý II/2021.
Theo đó, kế hoạch tài chính trong năm tới sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera, Gelex dự kiến doanh thu cả năm đạt 33.000 tỷ đồng, lãi trước thuế ước tính 1.500 tỷ đồng.
"Mạo hiểm đầu tư vào năng lượng tái tạo cần phải đi từng bước"
ĐHĐCĐ bất thường hôm nay đã thông qua phương án chào bán gần 293 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán 12.000 đồng/cp. Như vậy, tổng số tiền Gelex có thể nhận về là 3.515 tỉ đồng. Công ty dự định sẽ thực hiện đợt chào bán trước tháng 6/2021.
Gelex dự kiến sẽ dùng khoảng 1.800 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành bổ sung sắp tới để thực hiện các dự án nhà máy điện gió thông qua CTCP Hạ tầng Gelex; 500 tỷ đồng để triển khai dự án Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngoài ra, 800 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty con là CTCP Thiết bị Điện Gelex và 415 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho Tổng công ty mẹ Gelex.
Theo ông Tuấn, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo là quyết định mạo hiểm, do đó Gelex không lập tức đầu tư quá lớn mà đi từng bước. Các dự án điện gió phải chắc chắn về dữ liệu gió, kết nối cũng như những chính sách quản trị rủi ro khác.
Về dự án Trần Nguyên Hãn, Gelex được giao từ thời kỳ cổ phần hóa năm 2010. Chia sẻ từ ông Tuấn: "Khi mà nhà nước thoái vốn, chúng tôi cũng nâng lên đặt xuống nhiều lần việc đầu tư dự án này như thế nào. Đến thời điểm này, Gelex phải đầu tư rồi, nếu không thì thành phố sẽ thu hồi giấy phép dự án."
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết việc đầu tư dự án khách sạn cần có chu kỳ dài và nguồn vốn ổn định. Nếu vay nợ nhiều quá hoặc cơ cấu vốn không tốt thì có thể bị đứt dòng tiền, gây rủi ro cho công ty. Do đó, lãnh đạo Gelex lựa chọn phương án tăng vốn, phải có thêm vốn chủ sở hữu trong dự án chứ không thể dùng hết vốn vay.
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền, mức giá chào bán 12.000 đồng/cp thấp hơn 22,7% so với giá trị sổ sách của cổ phiếu GEX tại ngày cuối quí III/2020 (15.515 đồng/cp) và thấp hơn 42,3% so với giá đóng cửa phiên hôm nay 18/12 (20.800 đồng/cp). Ông Hiền cũng cho biết công ty chọn mức giá 12.000 đồng là để "ưu đãi cho cổ đông hiện hữu và bổ sung thêm nguồn vốn vào quỹ thặng dư vốn của Gelex".
Theo ông Tuấn, Gelex có những tài sản sinh ra dòng tiền như nhóm thiết bị điện, ổn định như nhóm hạ tầng gồm các nhà máy nước và nhà máy điện, dài hạn hơn là mảng bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại, ngoài ra công ty còn hướng đến mảng sản xuất vật liệu xây dựng có biên lợi nhuận tốt.
"Với tư cách là Tổng giám đốc điều hành, tôi tự tin vào những chiến lược của Gelex. Càng ngày chúng tôi sẽ càng hoàn thiện quản trị để kết hợp các doanh nghiệp mà chúng tôi M&A lại thành một khối để tạo ra hiệu quả tốt nhất", ông Tuấn cho hay.