|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gelex thế chấp 66 triệu cổ phần Viglacera để vay 1.000 tỷ đồng

18:43 | 11/01/2021
Chia sẻ
Gelex vay 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm, đáo hạn vào tháng 11/2023.
Gelex thế chấp 66 triệu cổ phần Viglacera để vay 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tòa nhà Gelex Tower tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 26/11/2020. Trái phiếu có kỳ hạn ba năm, đáo hạn vào 26/11/2023.

Trái phiếu trả lãi 6 tháng một lần, lãi suất không được tiết lộ. Tài sản bảo đảm là 66 triệu cổ phần tại Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) thuộc sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (Mã: GEX).

Các quyền lợi phát sinh từ 66 triệu cổ phiếu VGC nói trên cũng được dùng để thế chấp khoản vay, bao gồm: cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu do chia tách, phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi và chứng khoán chuyển đổi thành cổ phiếu, ngoại trừ cổ tức tiền mặt.

Tuy nhiên, quyền biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, lấy ý kiến bằng văn bản, quyền đề cử, ứng cử, bổ nhiệm, … không bị phong tỏa và vẫn thuộc về Tổng công ty Gelex - chủ sở hữu số cổ phiếu VGC dùng làm tài sản thế chấp.

Tổng công ty Gelex hiện nay đang sở hữu 46,07% vốn điều lệ của Viglacera, tương đương khoảng 206 triệu cổ phiếu VGC. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn từng có kế hoạch nâng sở hữu của Gelex tại Viglacera lên 51% trong năm 2020 nhưng không thành công, quyết tâm sẽ thực hiện trong quý II/2021.

Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex có tiền thân là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Ngày 2/10/2020, Năng lượng Gelex thay đổi loại hình doanh nghiệp và đổi tên thành CTCP Hạ tầng Gelex như ngày nay. Công ty có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng, do Tổng công ty Gelex sở hữu 100%.

Theo thông tin từ website gelex.vn, Hạ tầng Gelex chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và hạ tầng. Cụ thể, Hạ tầng Gelex đã hoàn thành đầu tư vào ba dự án nguồn phát điện với tổng công suất 122 MW là Thủy điện Canan 1, 2; Thủy điện Sông Bung và Trang trại điện Mặt trời Ninh Thuận.

Hiện tại Hạ tầng Gelex đang triển khai 5 dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Quảng Trị, bao gồm: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2; Hướng Phùng 3 (tổng công suất 50 MW); Nhà máy điện gió Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3 (tổng công suất 90 MW). Dự kiến, 5 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Hạ tầng Gelex cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch thông qua sở hữu 60,46% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). 

Tháng 10/2019, nhiều người dân khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội phát hiện thấy nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi khét rất lạ. Các cơ quan chức năng sau khi xét nghiệm mẫu nước đã thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép. Nguyên nhân là có người đã đổ trộm dầu thải xuống nguồn nước đầu vào của nhà máy.

Ngày 25/10/2019, Viwasupco phát đi thông cáo chính thức cho biết công ty đã hoàn tất khắc phục và đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng. Viwasupco đã phải miễn thu tiền nước một tháng đối với khách hàng sử dụng nước.

Đức Quyền