Lợi nhuận FPT Retail giảm 95% do đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, Mã: FRT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.937 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng giảm 8%, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 4% lên 538,6 tỷ đồng trong kỳ.
Trong quý IV/2020, chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay của FPT Retail ghi nhận mức giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, giảm 56% xuống 18 tỷ đồng. Trong khi, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng, mức tăng lần lượt là 1% và 8%.
Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế quý IV/2020 đạt 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 26 tỷ đồng.
Giải thích nguyên nhân chuyển lỗ thành lãi trong quý IV, lãnh đạo FPT Retail cho biết trong kỳ doanh nghiệp đã thực hiện quản lý tốt dòng tiền, lợi nhuận tài chính tăng 26 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, FPT Retail thực hiện phân bố đều chi phí lương mềm qua các tháng, thay vì tập trung vào quý IV như năm 2019, cùng với việc quản lý hiệu quả chi phí hoạt động cũng góp phần tiết kiệm 19 tỷ đồng chi phí.
Tính chung cả năm 2020, FPT Retail đạt 14.666 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 28 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 12%, 95% và 90% so với năm 2019.
Năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 15.320 tỷ đồng về doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, kết thúc năm 2020, FPT Retail thực hiện được gần 96% mục tiêu về doanh thu và không đạt được kế hoạch về lợi nhuận năm.
Lãnh đạo FPT Retail cho biết do chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng. Cụ thể, năm 2020 doanh nghiệp đã mở thêm được 130 cửa hàng so với cuối năm 2019, dẫn đến tăng chi phí bán hàng thêm 39% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của FPT Retail tại ngày 31/12/2020 là hơn 5.390 tỷ đồng, giảm 1.203 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, đi xuống mạnh nhất là hàng tồn kho với mức giảm 1.543 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền cũng giảm 150 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FPT Retail không thay đổi nhiều trong khi nợ phải trả giảm gần 1.149 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đi xuống hơn 1.213 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn cuối năm 2020 là gần 77%, giảm so với mức hơn 80% ngày đầu năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần (29/1), cổ phiếu mã FRT của FPT Retail được giao dịch quanh mức 26.200 đồng/cp.