|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ACV lãi 1.712 tỷ đồng năm 2020, giảm 79% so với năm 2019

09:00 | 30/01/2021
Chia sẻ
Dù kết quả kinh doanh đi xuống so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu so sánh với quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận ACV trong quý IV/2020 vẫn cho thấy sự hồi phục với tỷ lệ tương ứng là 18% và 48%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa ra báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, doanh thu thuần ACV quý vừa qua đạt 1.701 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ do tác động của dịch COVID-19. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng giảm 42% còn 538 tỷ đồng do không còn lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại gốc cuối kỳ.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 77% và 63% so với cùng kỳ năm trước đó, song, chi phí tài chính tăng gấp 10 lần cùng kỳ lên 244 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của ACV sụt giảm 85%, còn 346 tỷ đồng.

Theo ACV, nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng đột biến do lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại gốc cuối kỳ.

Dù kết quả kinh doanh đi xuống so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu so sánh với quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận ACV trong quý IV/2020 đang hồi phục với tỷ lệ tương ứng là 18% và 48%.

Cả năm 2020, ACV ghi nhận doanh thu thuần 7.784 tỷ đồng, giảm 58% so với con số doanh thu 18.329 tỷ đồng năm 2019. Cùng với đó, chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế giảm 79% còn 1.712 tỷ đồng. 

Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ ACV trong năm 2020 là 1.718 tỷ đồng; lãi trên mỗi cổ phần là 789 đồng.

Lợi nhuận ACV tiếp tục hồi phục trong quý IV/2020 - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Từ thời điểm đầu năm tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ACV giảm hơn 1.180 tỷ đồng còn 56.993 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm gần 150 tỷ đồng còn 345 tỷ đồng; tài sản cố định giảm 2.000 tỷ đồng còn 14.311 tỷ đồng do giá trị hao mòn lũy kế tăng.

Ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 24%, đạ 1.075 tỷ đồng, chủ yếu do giá trị gia tăng tại dự án xây dựng cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành (502 tỷ đồng) và xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài (124 tỷ đồng).

ACV đang nắm giữ 33.684 tỷ đồng tiền mặt, tăng hơn 2.400 tỷ đồng kể từ đầu năm 2020. Trong một báo cáo nhận định mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng ACV sẽ tiêu hết toàn bộ khoản tiền mặt tích lũy được trong vòng 5 năm qua vào dự án sân bay Long Thành.

Về triển vọng kinh doanh năm 2021, Khối phân tích CTCK SSI (SSI Research) cho biết, sẽ khó có thể dự báo thời gian và tốc độ phục hồi thị trường quốc tế do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.

Hiệu quả của vắc xin sẽ là yếu tố quyết định cho việc nới lỏng chính sách bảo hộ và nối lại hoạt động du lịch quốc tế. SSI Research ước tính sản lượng khách quốc tế sẽ đạt 12 triệu lượt khách vào năm 202, tương đương với 34% mức trước COVID. Sản lượng ước tính phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, khi hoạt động du lịch dần bình thường trở lại.

Thị trường nội địa có thể vẫn là nguồn thu chính của ngành, ít nhất là cho đến hết tháng 6/2021. SSI Research dự báo nhu cầu nội địa với mục đích công tác hay du lịch đều phục hồi về mức trước COVID là 73 triệu lượt khách vào năm 2021 (tăng 23% so với cùng kỳ).

Theo SSI Research, vận chuyển hàng hóa có thể tăng chậm, nhưng có khả năng khôi phục từ nửa cuối 2021, ước tính sản lượng hàng hóa hồi phục về gần mức trước COVID (1,5 triệu tấn) vào năm 2021, khi các chuyến bay quốc tế phục hồi và các hãng hàng không chuyển một phần đội bay sang vận chuyển hàng hóa để tận dụng giá vận chuyển hàng không cao vào thời điểm hiện tại (cao hơn gấp 2-3 lần so với mức trước COVID). 

Với những nhận định trên, SSI Research dự báo, lợi nhuận sau thuế của ACV sẽ tăng 250% so với cùng kỳ trong, lên 4,7 nghìn tỷ đồng năm 2021 và vẫn thấp hơn 42% so với năm 2019.

Thu Thủy