Lời cảnh báo của đại gia bán lẻ Walmart là điềm gở với nền kinh tế Mỹ
Quá nhiều điều không chắc chắn
Theo Bloomberg, kết quả kinh doanh quý IV năm tài chính 2023 của Walmart, bao gồm dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, đã vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy vậy, triển vọng về năm 2023 của công ty lại đầy sự cảnh giác.
Giám đốc Tài chính John Rainey tuyên bố “có quá nhiều thứ mà chúng tôi không biết”. “[Mỹ] có thể rơi vào suy thoái. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với chi tiêu, với các đợt sa thải và thu nhập hộ gia đình”, ông nói. “Mới chỉ là đầu năm và hiện còn có quá nhiều điều bí ẩn”.
Hầu hết sự không chắc chắn trong nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ việc người tiêu dùng Mỹ chống chịu chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như thế nào.
Tháng 1 vừa qua, Mỹ vừa tạo thêm 517.000 việc làm phi nông nghiệp, trong khi doanh số bán lẻ tăng tới 3% so với tháng liền trước (con số đã được điều chỉnh), cùng với tâm lý người tiêu dùng ở mức cao nhất trong vòng một năm.
Những số liệu mạnh mẽ trên khiến một số nhà kinh tế dự báo rằng Fed sẽ mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Goldman Sachs đang cho rằng lãi suất cơ bản sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản từ mức hiện nay, và được giữ nguyên cho tới năm 2024.
Số liệu tốt đẹp, kỳ vọng ảm đạm
Khách hàng của Walmart vẫn tiếp tục mua sắm, tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Doug McMillon, họ đang trở nên “chọn lọc, sáng suốt và thấu đáo” hơn về quyết định chi tiêu của mình.
Công ty này cho biết người tiêu dùng đang hạn chế mua hàng hóa bình thường để mua thực phẩm. Khoảng một nửa sự tăng trưởng hàng thực phẩm của Walmart trong quý IV đến từ những người có thu nhập cao tìm kiếm hàng rẻ hơn. Trong khi doanh số hàng thực phẩm chiếm phần lớn doanh thu của công ty, lạm phát đang ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận cũng cũng như lợi nhuận ròng.
Nhìn từ bên ngoài, kết quả kinh doanh quý IV/2023 (theo năm tài chính của Walmart) đầy sự lạc quan. Doanh thu của toàn tập đoàn Walmart tăng trưởng 7,4% so với quý IV/2022, dẫn đầu bởi hệ thống siêu thị thu phí thẻ thành viên Sam's Club. Doanh số bán hàng cùng của hàng của công ty tại Mỹ (Walmart US) đã tăng 8,3% so với một năm trước đó, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Tuy nhiên, nếu xem xét sâu hơn, kỳ báo cáo kết quả kinh doanh lần này của Walmart lại đầy những dấu hiệu cảnh báo. Bất chấp doanh thu tăng trưởng 8%, lợi nhuận của Walmart US chỉ đi lên 3,8%. Lợi nhuận của toàn tập đoàn thậm chí còn giảm 5,5%.
Một trong những lý do lớn giúp Walmart giành được thị phần là do người tiêu dùng với ngân sách eo hẹp (bao gồm cả những gia đình có thu nhập cao), đang hạn chế mua hàng từ những siêu thị sang trọng hơn.
Doanh số bán lẻ cho thấy chi tiêu cho dịch vụ ăn uống và đồ uống tại Mỹ đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi tiêu cho thực phẩm trong cửa hàng tạp hóa chỉ tăng 5,8%.
Với việc mảng kinh doanh thực phẩm có tỷ suất lợi nhuận thấp ngày càng chiếm một phần lớn trong cơ cấu doanh thu, Walmart sẽ cần phải dựa vào những mảng khác để tăng lợi nhuận.
Những sản phẩm có biên lợi nhuận cao, chẳng hạn như đồ chơi, quần áo hay đồ gia dụng, ... đã có kết quả kinh doanh kém hơn, bất chấp nỗ lực giảm giá mạnh để giải phóng lượng hàng tồn kho tích trữ quá nhiều trong đại dịch.
Walmart cũng dự báo rằng mức tăng trưởng doanh thu toàn tập đoàn cho năm tài chính 2024 sẽ chỉ là 2,5 đến 3%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Tình hình kinh doanh tại Mỹ có thể còn ảm đạm hơn, khi doanh số bán hàng cùng cửa hàng không bao gồm nhiên liệu của Walmart US dự kiến sẽ chỉ tăng từ 2 đến 2,5%.
Báo cáo của những nhà bán lẻ khác cũng đang kể một câu chuyện tương tự. Home Depot cũng báo cáo kết quả kinh doanh của mình vào ngày 21/2, cho thấy khối lượng giao dịch giảm lần thứ 7 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý này, sự sụt giảm khối lượng giao dịch đã không được bù đắp bởi trị giá của mỗi giao dịch. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 7% sau thông tin trên.
Giỏ hàng hóa của người tiêu dùng có thể nhẹ đi khi những lo lắng tấn công thị trường nhà đất. Theo ngân hàng Barclays, giá chào bán bất động sản càng giảm thì người tiêu dùng càng chi tiêu ít hơn trong một chuyến đi tới Home Depot.
Sau thời kỳ bùng nổ trong đại dịch, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ sẽ thu hẹp. Mặc dù giai đoạn thiếu hụt lao động tồi tệ nhất đã qua đi, tiền lương vẫn ở mức cao.
Walmart và Home Depot đang cùng tăng lương. Vào tháng 1, Walmart tuyên bố sẽ nâng mức lương mỗi giờ của người lao động lên 17,5 USD. Ngân hàng UBS ước tính động thái trên sẽ khiến công ty mất khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Home Depot cũng dự kiến chi thêm 1 tỷ USD để trả lương cho người lao động.
Một lo lắng còn lớn hơn là nhu cầu người tiêu dùng có thể giảm xuống. Nguồn tài chính hộ gia đình mạnh mẽ do các khoản tiết kiệm trong dịch COVID và nguồn tài trợ của chính phủ sẽ tới lúc cạn kiệt.
Theo Goldman Sachs, các hộ gia đình đã chi 1/3 số tiền tiết kiệm vượt mức, và dự kiến sẽ chi thêm 1/3 nữa vào cuối năm 2023.
Các doanh nghiệp bán lẻ như Home Depot và Walmart từng tăng giá vào năm ngoái nhưng hiện đang cẩn thận hơn, bởi lo sợ rằng động thái này có thể khiến người tiêu dùng ngừng mua sắm. Tuần trước, tập đoàn thực phẩm Kraft Heinz tuyên bố đã gần như hoàn tất việc tăng giá trong năm nay.