Loạt doanh nghiệp hàng không báo lãi trong đại dịch, Vietnam Airlines ước lỗ 5.900 tỷ
Vietnam Airlines lỡ hạn chót 30/7
Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay nêu rõ: Doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu là công ty mẹ của tổ chức khác phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.
Theo quy định này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) phải công bố báo cáo tài chính quý II/2021 chậm nhất vào ngày 30/7.
Tuy nhiên vào ngày 29/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã gửi công văn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đề nghị được gia hạn.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, tình hình dịch COVID-19 hiện nay đang diễn biến cực kỳ phức tạp, giao dịch của doanh nghiệp hàng không với các nhà cung cấp trong và ngoài nước bị ảnh hưởng mạnh.
Vietnam Airlines đang thực hiện giãn cách bằng việc bố trí 50% nhân viên khối văn phòng làm việc online, một phần nhân sự tại các cơ quan, đơn vị phải cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa.
"Vì vậy, tuy vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng quy trình luân chuyển chứng từ giữa các cơ quan, đơn vị bị chậm trễ. Quá trình tổng hợp và xử lý số liệu để lập báo cáo tài chính cũng như việc soát xét của đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian hoàn thành", Vietnam Airlines cho biết.
Điều 14 của Thông tư số 96 còn yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết lớn như Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính, tức là không muộn hơn ngày 30/8.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng đã đề nghị được gia hạn việc công bố báo cáo tài chính soát xét cùng với lý do nêu ở trên, không hẹn ngày công bố cụ thể.
Trước đó, đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 của Vietnam Airlines cũng được tổ chức muộn hơn so với hạn chót 30/6 theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trong khi Vietnam Airlines muốn có thêm thời gian để hoàn thành báo cáo thì hàng loạt doanh nghiệp trong ngành hàng không đã thực hiện xong nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ của mình.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV), CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC), CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Mã: MAS), ... đều đã công bố báo cáo tài chính quý II đúng hạn.
Nhiều doanh nghiệp báo lãi
Theo bản cáo bạch được công bố ngày 20/7 vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đạt 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020.
Mảng vận tải hàng không mang về 9.360 tỷ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ hoạt động phụ trợ vận tải, doanh thu bán hàng và các doanh thu khác.
Ngoài ra, tổng công ty cũng ghi nhận 247 tỷ đồng doanh thu tài chính và gần 58 tỷ đồng thu nhập khác.
Bản cáo bạch không tiết lộ thông tin về lãi/lỗ, tuy nhiên tài liệu đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 ước tính số lỗ hợp nhất trong nửa đầu năm nay là 10.788 tỷ đồng, riêng quý II lỗ khoảng 5.900 tỷ.
Nhiều doanh nghiệp đã đăng tải báo cáo tài chính quý II cho thấy một bức tranh với nhiều gam màu sáng sủa.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ghi nhận doanh thu thuần 1.572 tỷ đồng, tăng trưởng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 507 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ 322 tỷ của quý II/2020.
Trong 6 tháng đầu năm, ACV lãi 1.369 tỷ đồng, tăng 11,5% và thực hiện 71,4% kế hoạch cả năm.
Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 3.542 tỷ đồng và lỗ gộp 1.278 tỷ trong quý II. Tuy nhiên nhờ có doanh thu tài chính gần 1.800 tỷ đồng, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn có lãi 4,5 tỷ. Trong 6 tháng, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 128 tỷ.
Nhiều doanh nghiệp ngành hàng không khác cũng báo lãi trong quý II và nửa đầu năm nay.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) cho biết trong quý II, các hãng hàng không quốc tế được hoạt động trở lại, công ty ký được thêm hợp đồng mới nên sản lượng hàng hóa tăng 45% dẫn đến doanh thu tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, lợi nhuận cũng cải thiện gần 51%.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) cho biết mức nền so sánh trong nửa đầu năm 2020 tương đối thấp do dịch COVID-19 đột ngột bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói chung và NCT nói riêng.
Trong nửa đầu 2021, các doanh nghiệp đã có biện pháp thích ứng như đẩy mạnh các chuyến vận tải hàng hóa, tháo ghế trên cabin chở khách để chuyển hàng, … Số tàu khách bị cắt giảm mạnh nhưng các tàu hàng vẫn được khai thác, sản lượng hàng quốc tế vẫn duy trì và tăng trưởng tốt.
Cụ thể, sản lượng hàng hóa phục vụ của NCT trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021 tăng lần lượt 15% và 3,6% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu và lợi nhuận do vậy mà có cải thiện.
Trong khi các doanh nghiệp liên quan đến vận tải hàng hóa tại sân bay có vẻ ăn nên làm ra trong mùa dịch thì CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) lại lỗ nặng hơn cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên do là Taseco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn lưu trú, du lịch, suất ăn hàng không, nhà hàng, quán ăn tại các sân bay, ... Khi lượng hành khách sụt giảm vì dịch bệnh, hoạt động của Taseco cũng gặp khó khăn.