|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau đợt phát hành 8.000 tỷ, Vietnam Airlines định tăng vốn thêm 6.000 - 9.000 tỷ nữa

14:45 | 24/07/2021
Chia sẻ
Kế hoạch tăng vốn sẽ giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn tiền để trả nợ và sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, thay đổi cách quản trị.
Sau đợt phát hành 8.000 tỷ, Vietnam Airlines định tăng vốn thêm 6.000 - 9.000 tỷ nữa - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Hai đợt tăng vốn lớn

Giai đoạn 2021-2025, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã HVN) dự kiến thực hiện hai đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn và dòng tiền khoảng 14.000 - 17.000 tỷ đồng.

Trong đó, đợt phát hành năm 2021 với quy mô dự kiến 8.000 tỷ đồng nằm trong gói giải pháp đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Để tiếp tục bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu và củng cố năng lực tài chính, Vietnam Airlines dự kiến sẽ xin ý kiến đại hội cổ đông và các cấp có thẩm quyền để tiếp tục phát hành cổ phiếu lần thứ 2 trong năm 2022 - 2023 với quy mô khoảng từ 6.000 đến 9.000 tỷ đồng. 

Tổng công ty kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi từ năm 2023, kết hợp với giải pháp tái cơ cấu tài sản và phát hành tăng vốn, quy mô vốn chủ sở hữu công ty mẹ dự kiến đến cuối năm 2025 đạt 20.000 - 23.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ khoảng 26.000 - 29.100 tỷ đồng.

Sở dĩ vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ vì Vietnam Airlines nhiều khả năng vẫn còn lỗ lũy kế trong giai đoạn 2020 - 2021 chưa xóa hết.

Sau đợt phát hành 8.000 tỷ, Vietnam Airlines định tăng vốn thêm 6.000 - 9.000 tỷ nữa - Ảnh 3.

Vốn điều lệ của Vietnam Airlines hiện nay là 14.183 tỷ đồng, dự kiến tăng thêm 8.000 tỷ trong năm 2021 và thêm 6.000 - 9.000 tỷ trong năm 2022-2023.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình chào bán tăng vốn của Vietnam Airlines là kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 11.000 tỷ đồng trong năm 2020, dự kiến lỗ tiếp 14.500 tỷ trong năm 2021. 

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 15, Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong năm liền trước hoặc còn lỗ lũy kế sẽ không được chào bán cổ phiếu ra công chúng. 

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 135/2020 cho phép miễn áp dụng Điểm b nói trên khi Vietnam Airlines phát hành tăng vốn 8.000 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành 8.000 tỷ, Vietnam Airlines định tăng vốn thêm 6.000 - 9.000 tỷ nữa - Ảnh 4.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Quyền).

Cổ đông nào nắm giữ 1.000 cổ phiếu HVN sẽ có quyền mua thêm 564 cổ phiếu trong đợt phát hành sắp tới với giá 10.000 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/7.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt Chính phủ thực hiện toàn bộ quyền mua gần 690 triệu cổ phiếu, qua đó duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines ở mức 86,2%.

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết, trong những lần tăng vốn sau này, Vietnam Airlines có thể thực hiện theo hình thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn khoảng 50-65% theo Quyết định số 22/2021 của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Lịch sử tăng vốn của Vietnam Airlines

Năm 2014, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 9.023 tỷ đồng. Tháng 4/2015, tổng công ty thực hiện cổ phần hóa và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 11.199 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2016, Vietnam Airlines phát hành 107,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược ANA Holdings (Nhật Bản), nâng vốn lên 12.275 tỷ đồng.

Tháng 12/2018, tổng công ty chào bán 190,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 14.183 tỷ đồng như hiện nay.

Đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN sắp tới sẽ đưa vốn điều lệ của Vietnam Airlines lên 22.183 tỷ đồng, vượt qua Bamboo Airways và ACV để giữ ngôi đầu ngành hàng không Việt Nam. Số vốn tăng thêm này cũng được kỳ vọng giúp cho Vietnam Airlines không bị âm vốn chủ sở hữu do các khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong các năm 2020 - 2021.

Đức Quyền

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.