|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo UBCKNN: Hoạt động bán ròng của khối ngoại được theo dõi sát sao nhưng chưa đáng lo ngại

16:45 | 03/07/2024
Chia sẻ
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam dao động khoảng 46 - 49 tỷ USD, vẫn chiếm hơn 16% tổng vốn hóa thị trường. Phía cơ quan quản lý vẫn theo dõi sát câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại nhưng chưa thấy đáng lo ngại.

Hoạt động rút vốn của NĐT nước ngoài chưa đáng lo ngại

Tại Hội thảo "Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán" được tổ chức ngày 2/7, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nêu đánh giá đối với câu chuyện bán ròng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm của khối ngoại.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 50.000 tỷ đồng. Thông tin về khối ngoại bán ra mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhiều nhà đầu tư.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam dao động khoảng 46 - 49 tỷ USD, vẫn chiếm hơn 16% tổng vốn hóa thị trường. Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài, nhưng tỷ lệ sở hữu/vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuộc nhóm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Hiện tượng rút vốn trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

“Có thể thấy rõ, lãi suất đồng USD duy trì cao, VND và nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá. Một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn", đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: laodong).

Cũng theo ông Hải, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng giá trong 6 tháng qua. Hiện định giá tương đối cao so với khu vực, do đó có thể nhà đầu tư ngoại thực hiện “chốt lãi”. Số liệu cho thấy, giá trị bán ròng không bằng giá trị cổ phiếu của thị trường chứng khoán tăng từ đầu năm.

Các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cần duy trì tỷ trọng theo thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán để đảm bảo tỷ trọng, mục tiêu đầu tư của quỹ. Ngoài ra, một số quỹ có thể đến thời gian đóng quỹ.

Phía cơ quan quản lý vẫn theo dõi sát câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại nhưng chưa thấy đáng lo ngại.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính góp ý thêm, bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường là kinh tế vĩ mô cũng như tính ổn định của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trước những khó khăn, biến động của thế giới vẫn giữ ổn định trong những năm qua, giữ được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, triển vọng thị trường nâng hạng…

Theo Thứ trưởng, một số quỹ thay đổi cách quản trị, xuất hiện sự điều chỉnh, cơ cấu danh mục đầu tư là bình thường. Nhà đầu tư cần phân tích bản chất của hiện tượng để có sự nhìn nhận toàn diện, để không có những ảnh hưởng không đáng có trên thị trường.

Giải bài toán tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết chất lượng, doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD

Tại hội thảo, vấn đề nâng hạng thị trường đi kèm với bài toán cần thêm những doanh nghiệp niêm yết chất lượng, cũng được quan tâm. 10 năm qua, top 10 cổ phiếu lớn chủ yếu thay đổi thứ hạng mà chưa có nhiều hàng hoá mới, chưa có nhiều doanh nghiệp niêm yết vốn hoá tỷ USD.

Ông Bùi Hoàng Hải cho biết, hiện nay trên thị trường có 42/42 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì nước ta không hề ít doanh nghiệp tỷ đô. Việt Nam hiện có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn đang chờ đợi thị trường chứng khoán nâng hạng mới niêm yết.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, có những yếu tố chủ quan có thể khắc phục như IPO gắn với niêm yết. Doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư tham gia vào IPO gặp khó khăn vì thời gian qua giá cổ phiếu trên thị trường sụt giảm. Ủy ban Chứng khoán đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. Việc này giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. Tới đây, Ủy ban Chứng khoán sẽ đưa vào các dự thảo, thông tư và nghị định nội dung này.

Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất quan điểm thị trường chứng khoán khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích, nhưng thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thách thức đến từ việc các thị trường chứng khoán không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại, hoặc khi thị trường chứng khoán không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán có thể gây tác động đến mức độ biến động của thị trường do tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Diễn biến này cũng gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền VND của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB (MBS), nhận định TTCK Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nâng hạng mà cần nâng cao chất lượng dòng vốn và chất lượng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, để họ đến nhiều và “ở lại” nhiều. Về phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán VPS, cho rằng trong tương lai thị trường cần có nhiều cổ phiếu bluechip hơn, từ các ngành nghề như ngân hàng, tài chính, tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng... Những cổ phiếu lớn đó sẽ đáp ứng được các tiêu chí, khẩu vị rủi ro, hàng hóa để các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi ghi nhận các đề xuất về việc thúc đẩy tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, Thứ trưởng nói yếu tố minh bạch hóa thì bản thân doanh nghiệp cần tự ý thức, đây là nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ giám sát và đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: laodong).

Xuân Nghĩa