Chủ tịch UBCKNN nêu những việc cần làm cùng với nút thắt prefunding để chứng khoán Việt Nam nâng và trụ hạng thành công
Thực trạng đặt ra đòi hỏi về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và phát triển nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Trong phần phát biểu tại Đối thoại tháng 7 chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức sáng nay 19/7, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương có những chia sẻ xung quanh vấn đề trên.
Theo người đứng đầu UBCKNN, việc nâng hạng thị trường không chỉ thu hút những tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia, thúc đẩy nguồn vốn gián tiếp mà còn có thể tăng cường năng lực quản trị công ty, nâng cao hình ảnh cũng như góp phần vào việc thúc đẩy tiến trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Như đã đề cập trên, nâng hạng thị trường còn là một giải pháp để cấu trúc dòng tiền nhà đầu tư trên thị trường. Những cá nhân đang chiếm trên 90% thanh khoản thị trường, trong khi khối này thường chịu tác động tâm lý. Đó là nguyên do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa ổn định trong một số giai đoạn.
“Muốn ổn định thị trường, cơ cấu NĐT tổ chức thường phải chiếm 50 - 60% như những nước phát triển, khi đó thị trường của chúng ta mới có thể ổn định, tránh câu chuyện tâm lý khiến thị trường lúc lên lúc xuống mà không hiểu lý do vì sao”, Chủ tịch UBCKNN nói.
Vậy lộ trình nâng hạng của Việt Nam đang thực hiện tới đâu?
Theo bà Phương, không những Chính phủ, Bộ tài chính, các Bộ ngành rất quan tâm, mà khách hàng đầu tư cũng rất mong chờ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã tới một quy mô lớn hơn, “như một người mặc áo chật”, đến thời kỳ phải bước thêm bước tiến mới.
Trong thời gian vừa qua, Bộ tài chính, UBCKNN cùng các đơn vị có liên quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường (các CTCK, nhà lưu ký, NĐT) đã đặt ra rất nhiều giải pháp để khắc phục được tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE để đưa từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
“Chúng tôi sẽ đăng tải Dự thảo thông tư sửa bốn thông tư và lưu đồ thanh toán trong trường hợp giao dịch thất bại trên trang web của UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký chứng khoán để các NĐT nước ngoài, các thành viên thị trường tham gia đóng góp ý kiến”, Chủ tịch UBCKNN cho biết.
Nói thêm, cuối tháng này, một hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước chủ trì sẽ được tổ chức và mời 150 – 200 nhà đầu tư để quảng bá việc đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng như lấy ý kiến của các NĐT lần cuối về dự thảo thông tư cũng như lưu đồ thanh toán trước khi trình lên Bộ Tài chính ký để ban hành.
Song, ngoài giải pháp kỹ thuật, xây dựng cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài, còn một loạt các vướng mắng cũng cần tháo gỡ để NĐT nước ngoài thuận lợi khi tham gia, người đứng đầu UBCKNN đặt vấn đề.
Thứ nhất là khi vào thị trường Việt Nam thì khối ngoại phải mua hàng hóa gì? Nếu không có đủ hàng hóa tốt, NĐT nước ngoài vào sẽ không biết mua cái gì. Thứ hai là vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, công bố và quản trị thông tin là hết sức quan trọng. Tạo một môi trường minh bạch thì nhà đầu tư mới có khả năng tiếp cận và tin tưởng tham gia vào thị trường, bà Phương đưa quan điểm.
Theo đó, việc xếp hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí của tổ chức xếp hạng, mà phụ thuộc trải nghiệm của nhà đầu tư trên thị trường. Nhà đầu tư thấy thuận lợi, đầu tư vào có lợi nhuận thì họ sẽ ủng hộ cho thị trường lên thị trường mới nổi.
Tiếp đó là việc cung cấp dịch vụ của các CTCK, ngân hàng lưu ký. Nếu không cung cấp dịch vụ tốt, vẫn còn khó khăn vướng mắc thì nâng hạng rồi vẫn có thể tụt hạng.
Kế đến, theo bà Vũ Thị Chân Phương, NĐT cũng phải có sự tuân thủ. Nếu thị trường còn nhiều sai phạm, còn những giao dịch công bố lên rồi không giao dịch… sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài không tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi yêu cầu phải có báo cáo giải trình, xác định được những trường hợp có ý định tác động đến giá cổ phiếu ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường thì chúng tôi sẽ đưa vào tội lũng đoạn thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm minh”.
Thông tin thêm, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài để cắt giảm thủ tục hành chính khi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tại Việt Nam.
“Đồng thời, tôi cũng được biết Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đang rà soát và yêu cầu công khai tỷ lệ sở hữu ĐTNN để cho minh bạch tỷ lệ sở hữu ngoài với các ngành nghề hạn chế tiếp cận, cũng như những ngành nghề giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài”.
Người đứng đầu UBCKNN cho biết sẽ nỗ lực đồng bộ những giải pháp cơ cấu cơ sở hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường, cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.
“Chúng tôi cũng sẽ xây dựng những quy chế phối hợp để thúc đẩy những doanh nghiệp tốt IPO và tiến tới niêm yết luôn, không tạo ra khoảng cách từ IPO đến niêm yết cách thời gian rất dài.
Việc nâng hạng TTCK Việt Nam phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế trên sự trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài, do đó bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý, chúng tôi cũng rất cần chính sự quyết tâm của các công ty niêm yết, các thành viên thị trường, ngân hàng lưu ký và cộng đồng nhà đầu tư”, Chủ tịch UBCKNN kết thúc phần chia sẻ của mình.