|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital nhận định chứng khoán Việt Nam tiếp tục khả quan

17:03 | 16/09/2024
Chia sẻ
Theo VinaCapital, các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế được thực hiện tích cực hơn vào những tháng cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, đồng thời các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% trong cả năm 2024. Từ đó, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ diễn biến tích cực trong thời gian tới.

Tại báo cáo hoạt động tháng 8 của các quỹ cổ phiếu VESAF, VEOF, VMEEF, VinaCapital nêu dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng và duy trì được sự ổn định trong tháng 8.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 2,2% so với tháng trước và 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 8 tăng 14,5% và 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu 4,5 tỷ USD trong tháng 8 và 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, góp phần vào việc ổn định tỷ giá.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện tăng lần lượt 7% và 8% trong 8 tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 không tăng so với tháng 7. Tính bình quân 8 tháng đầu năm, CPI tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, theo đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Vào đầu tháng 9, Chính phủ tái khẳng định mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, tập trung vào các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước gần đây đã có nhiều dư địa hơn trong việc điều hành chính sách linh hoạt.

Nhờ áp lực về tỷ giá đã giảm, mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn có thể duy trì ở mức thấp. Đồng thời, vào đầu tháng 9, Kho bạc Nhà nước đã thông báo về việc mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại. Việc mua ngoại tệ sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia, đồng thời một lượng tiền đồng tương ứng với lượng ngoại tệ được mua vào sẽ được bơm ra thị trường.

Với các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế được thực hiện tích cực hơn vào những tháng cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, đồng thời các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% trong cả năm 2024, các nhà quản lý quỹ kỳ vọng thị trườn chứng khoán sẽ diễn biến tích cực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những diễn biến từ thị trường tài chính quốc tế cũng cần được theo dõi sát sao do Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới.

Ba quỹ cổ phiếu đạt hiệu suất 20 - 33% sau 8 tháng 

Về tình hình hoạt động của nhóm quỹ cổ phiếu, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/ccq) của VESAF tăng 1,8% trong tháng 8, thấp hơn so với VN-Index tăng 2,6%. Trong tháng, cổ phiếu của Phú Tài (PTB) chịu áp lực chốt lời sau đà tăng từ đầu năm. Ngoài ra, VESAF đã tăng tỷ trọng đối với Gemadept (GMD).

Tính từ đầu năm, hiệu suất đầu tư của VESAF đạt 20,2%, cao hơn so với VN-Index tăng 13,6%.

Với VEOF, hiệu suất đạt 2,3% trong tháng 8, nâng lũy kế từ đầu năm lên thành 21,1%. Chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục, FPT tăng giá 4,8% trong tháng qua khi kết quả kinh doanh của ông lớn công nghệ giữ đà tăng trưởng.

MWG và PNJ tăng lần lượt 9,4% và 5,3% trong tháng 8. Theo VEOF, hai doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ đã đạt kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, và được dự báo duy trì điều này đến cuối năm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng yếu đi trong tháng 8. CTG và VCB thuộc nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng lần lượt 9,5% và 2,8%. Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, ACB tăng 1% và VPB đi ngang.

VEOF vẫn đang nắm giữ một tỷ trọng lớn trong ngành ngân hàng (gần 30%) do nhận định rằng nền kinh tế đang hồi phục tích cực từ những khó khăn trong năm 2022 - 2023. Đồng thời, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) thấp hơn mức trung bình trong quá khứ.

VMEEF có hiệu suất tốt nhất trong nhóm quỹ cổ phiếu. Cụ thể, NAV/ccq tháng 8 tăng 2%, nâng lũy kế từ đầu năm lên 32,9%.

Hiệu suất hoạt động của VMEEP đến tháng 8. (Nguồn: VinaCapital).

Trong tháng 8, cơ cấu danh mục đầu tư của VMEEF không có nhiều thay đổi. Các công ty trong danh mục báo cáo kết quả kinh doanh hàng tháng như FPT, FOX, MWG và PNJ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cốt lõi hai chữ số.

VMEEF mới thành lập vào tháng 5/2023, tức hơn một năm và hiện có NAV hơn 957 tỷ đồng. Quỹ tập trung xây dựng danh mục đầu tư gồm các công ty được hưởng lợi từ các động lực phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, trong đó ưu tiên các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu sống và làm việc hiện đại của khách hàng.

Tại cuối tháng 8, cổ phiếu chiếm 94,8% danh mục VEMEEF. Tỷ trọng lớn nhất thuộc về ngân hàng (37,4%), công nghiệp (15,3%), dịch vụ công nghiệp và công nghệ (17,9%), tiêu dùng không thiết yếu (6,8%).

Đối với VESAF và VOEF, tỷ trọng cổ phiếu đang đạt lần lượt 93,9% và 94,9%. Hai quỹ này cũng ưa thích ngân hàng, với tỷ trọng lần lượt 22,8% và 29,7%.

Cơ cấu danh mục VMEEP tại cuối tháng 8. (Nguồn: VinaCapital).

Xuân Nghĩa